Các nước châu Âu đang bước vào mùa Đông thứ hai với nguồn khí đốt khan hiếm của Nga. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, đáp lại Moscow cũng cắt giảm lượng cung cấp khí đốt, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt cao kỷ lục ở châu Âu.
EC cho biết, EU dự kiến nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm xuống 40-45 tỷ m3 trong năm nay, so với 155 tỷ m3 vào năm 2021. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt việc nhập khẩu than và dầu bằng đường biển của Nga.
EC cho biết: “Những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện có thể đã ở phía sau chúng ta, nhưng không có chỗ cho sự tự mãn…Thị trường năng lượng vẫn dễ bị tổn thương, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên trong cuộc khủng hoảng, lạm phát vẫn cao, cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta cần được bảo vệ”.
Để thay thế khí đốt của Nga, các quốc gia EU đã tăng cường nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác, đồng thời cắt giảm việc sử dụng khí đốt. Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất của EU và nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã tăng mạnh, dẫn đầu là nguồn cung từ Mỹ.
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, các kho lưu trữ khí đốt đã đầy 99% trên khắp các quốc gia EU, điều này mang lại cho các quốc gia một tấm đệm chống lại những cú sốc nguồn cung tiềm ẩn trong mùa Đông này.
Bên cạnh đó, công suất năng lượng mặt trời gia tăng mạnh mẽ cũng giúp giảm nhu cầu của châu Âu đối với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt trong năm nay, đặc biệt là trong những tháng mùa Hè khi nhu cầu sử dụng điện cho điều hòa không khí lên đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, trong khi các nhà phân tích cho rằng, giá khí đốt khó có khả năng quay trở lại mức giá cao kỷ lục như năm ngoái, thì thị trường khí đốt toàn cầu đang thắt chặt bất thường, điều này có nguy cơ khiến giá khí đốt vẫn có thể tăng cao do thời tiết lạnh hoặc các cú sốc nguồn cung tiếp theo.
EC cũng cảnh báo rằng, các quốc gia EU vẫn chưa mở rộng năng lượng tái tạo đủ nhanh để đạt được mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là có được 42,5% tổng năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 - gần gấp đôi tỷ lệ hiện tại.
Để giúp đẩy nhanh tốc độ đó, EC đã công bố kế hoạch hỗ trợ ngành năng lượng gió của châu Âu – khu vực đang phải vật lộn với lạm phát cao và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty Trung Quốc.