EU có thể giải quyết thiện chí vấn đề cung cấp vắcxin của AstraZeneca

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định có thể giải quyết những vấn đề mới phát sinh liên quan đến việc cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.
Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. (Ảnh: PAP/TTXVN).

Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. (Ảnh: PAP/TTXVN).

Ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định có thể giải quyết những vấn đề mới phát sinh liên quan đến việc cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng dược phẩm này thừa nhận chỉ có thể cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) lượng vắcxin bằng 50% thỏa thuận ban đầu.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Augsburger Allgemeine, bà von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu có thể giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa và chia sẻ rằng các đối tác của - các hãng dược - “cũng đang gặp những thách thức chưa từng có trước đây." Bà kêu gọi hợp tác với các hãng dược phẩm nhằm tăng cường việc sản xuất vắcxin.

Trước đó, đại diện AstraZeneca cho biết hãng đang cố gắng tăng năng lực sản xuất của chuỗi cung ứng vắcxin ở EU. AstraZeneca sẽ sử dụng mạng lưới sản xuất toàn cầu để đáp ứng cung cấp 180 triệu liều vắcxin cho Liên minh châu Âu trong quý II năm nay, trong đó chuỗi cung ứng tại EU cung cấp khoảng 50% số vắcxin.

Giữa Liên minh châu Âu và AstraZeneca trước đó đã có tranh cãi liên quan đến kế hoạch bàn giao vắcxin trong quý I/2021. Với lý do sụt giảm năng suất tại các nhà máy ở châu Âu, hãng dược này thông báo sẽ không thể cung cấp đủ 400 triệu liều cho EU.

Phía Liên minh châu Âu đã phản ứng mạnh mẽ và cho rằng AstraZeneca "ưu ái" cung cấp vắcxin cho Anh, quốc gia đã rút khỏi Liên minh châu Âu.

Chính phủ Anh đã triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford từ cuối năm ngoái trong khi hãng dược này mới bắt đầu vận chuyển vắcxin cho Liên minh châu Âu vào đầu tháng 2 này, sau khoảng thời gian đợi các nhà chức trách Liên minh châu Âu cấp phép.

Cùng ngày, Ukraine đã bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia sau thời gian trì hoãn. Bộ Y tế xác nhận lô đầu tiên gồm 500.000 liều vắcxin của AstraZeneca do viện Serum Ấn Độ (SII) sản xuất đã đến sân bay Boryspil ở Kiev.

Đây là lô vắcxin nằm trong số 17 triệu liều vắcxin mà Kiev đã đặt mua của các hãng dược AstraZeneca và Novavax. Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cho biết những liều vắcxin đầu tiên đã được chuyển tới khắp các khu vực trên cả nước vào trưa 24/2 (theo giờ Việt Nam).

Với dân số 40 triệu người và là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, Ukraine cũng là một trong những nước cuối cùng trong khu vực khởi động chiến dịch tiêm vắcxin cho toàn dân.

Theo Bộ Y tế Ukraine, chương trình tiêm chủng của nước này gồm 5 giai đoạn, bắt đầu với việc tiêm chủng lưu động cho 367.000 người thuộc các nhóm ưu tiên, gồm các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và người cao tuổi có bệnh lý nền. Bộ này cho biết thêm việc tiêm vắcxin là tự nguyện.

Hiện Ukraine cũng đã đặt hàng và đang đợi 8 triệu liều vắcxin thông qua sáng kiến COVAX.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước này ngày 24/2 bắt đầu tiêm vắcxin cho giáo viên và nhân viên giáo dục trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng đại trà hợp tác với tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc.

Bộ trưởng Giáo dục Ziya Selcuk đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên. Ông cho biết khoảng 1,26 triệu nhân viên trường học sẽ được tiêm chủng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ trung tuần tháng 1 với nhân viên y tế và người cao tuổi là những đối tượng được ưu tiên. Cho tới nay, hơn 7,5 triệu liều vắcxin đã được tiêm tại nước này.

Tin bài liên quan