EU bỏ phiếu thông qua áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

EU bỏ phiếu thông qua áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (4/10), Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua mức thuế quan chính thức áp dụng với xe điện chạy hoàn toàn bằng pin (BEV) do Trung Quốc sản xuất.

"Hôm nay, đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp dụng thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) nhập khẩu từ Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ cần thiết từ các quốc gia thành viên EU để áp dụng thuế quan", EU cho biết trong một tuyên bố.

Bên cạnh đó, EU cho biết rằng, quyết định này đánh dấu một bước tiến nữa hướng tới kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban đối với xe điện từ Trung Quốc đã được khởi động vào tháng 10/2023.

Trước đó, EU đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 6 với lý do rằng họ được hưởng lợi "rất nhiều từ các khoản trợ cấp không công bằng" và gây ra "mối đe dọa gây tổn hại kinh tế" cho các nhà sản xuất xe điện ở châu Âu.

Thuế quan cũng được áp dụng đối với từng công ty liên quan đến mức độ hợp tác và thông tin mà họ cung cấp cho EU như một phần trong cuộc điều tra của khối về hoạt động sản xuất xe điện tại Trung Quốc. Thuế quan tạm thời đã được áp dụng từ đầu tháng 7.

Sau đó, Ủy ban châu Âu đã sửa đổi kế hoạch áp thuế vào tháng 9 dựa trên "những bình luận có căn cứ về các biện pháp tạm thời" từ các bên liên quan.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này vẫn tin rằng cuộc điều tra về trợ cấp của Trung Quốc cho ngành công nghiệp xe điện đã đi đến "kết luận được định sẵn", và điều này đang thúc đẩy cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, EU cũng cho biết họ vẫn đang tìm kiếm các giải pháp khác, ngay cả khi thuế quan được áp dụng.

"Song song, EU và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thay thế phải hoàn toàn tương thích với WTO, đủ để giải quyết tình trạng trợ cấp gây tổn hại do cuộc điều tra của Ủy ban thiết lập, có thể giám sát và thực thi được", tuyên bố của EU cho biết.

Các hãng sản xuất xe châu Âu phản ứng

Các nhà sản xuất ô tô Đức đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của EU.

Reuters đưa tin rằng, Mercedes Benz đã gọi thuế quan này là "sai lầm" và kêu gọi Ủy ban châu Âu trì hoãn việc thực hiện, trong khi BMW cho biết động thái này là điềm xấu đối với ngành công nghiệp ô tô của châu Âu. Trong khi đó, Volkswagen đã kêu gọi EU và Trung Quốc tiếp tục đàm phán về vấn đề này và cho biết vẫn có thể có giải pháp thay thế.

Nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo Cars thuộc sở hữu của Geely Holdings của Trung Quốc cho biết, sẽ "tiếp tục chiến lược lâu dài của chúng tôi là sản xuất ô tô tại nơi chúng tôi bán và đã cam kết đầu tư dài hạn đáng kể vào châu Âu".

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất ô tô Stellantis cho biết, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với áp lực từ các kế hoạch giảm phát thải C02 và từ sự cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng tại thời điểm này, "các chính sách hỗ trợ nhu cầu và đảm bảo tính ổn định của các quy tắc quan trọng hơn bao giờ hết".

Bất đồng quan điểm trong EU

Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận và cân nhắc giữa các quốc gia thành viên EU, họ đã bày tỏ quan điểm khác nhau về việc tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ thì Đức đã phản đối, làm dấy lên lo ngại về hậu quả đối với các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn.

Hôm thứ Sáu (4/10), Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã kêu gọi Ủy ban châu Âu không nên bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại.

"Bất chấp việc bỏ phiếu cho các mức thuế trừng phạt tiềm tàng đối với Trung Quốc, Ủy ban EU không nên kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại. Chúng ta cần một giải pháp đàm phán", ông cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết hôm thứ Năm (3/10) rằng, nước ông sẽ phủ quyết một đề xuất từ ​​Ủy ban châu Âu đưa ra mức thuế quan lên tới 45%.

Một số thành viên EU lo ngại về khả năng trả đũa từ Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và rượu mạnh xuất khẩu từ EU, cũng như một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa của EU.

Tin bài liên quan