EU bật đèn xanh cho đạo luật AI then chốt đầu tiên trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu vừa đạt thỏa thuận cuối cùng về đạo luật then chốt đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo, trong lúc thế giới chạy đua ra quy định quản lý công nghệ này.
Công cụ ChatGPT. Ảnh: AFP

Công cụ ChatGPT. Ảnh: AFP

Mức phạt vi phạm lên tới 38 triệu USD

Hội đồng châu Âu, cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), cho biết họ đã thông qua đạo luật trí tuệ nhân tạo (AI) - một bộ luật điều chỉnh mang tính đột phá, đặt ra các quy tắc toàn diện cho việc quản lý công nghệ AI.

Ông Mathieu Michel, Bộ trưởng Ngoại giao về số hóa của Bỉ khẳng định trong một tuyên bố hôm 21/5 rằng: "Việc thông qua đạo luật AI là một cột mốc quan trọng đối với Liên minh châu Âu".

"Với đạo luật AI, châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin cậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình khi xử lý các công nghệ mới, đồng thời đảm bảo công nghệ thay đổi nhanh chóng này có thể phát triển và thúc đẩy sự đổi mới của châu Âu", ông Michel nói thêm.

Đạo luật AI áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với trí tuệ nhân tạo, nghĩa là các ứng dụng công nghệ khác nhau được xử lý theo các cách khác nhau, tùy thuộc vào các mối đe dọa được xác định là chúng gây ra cho xã hội.

Đạo luật cũng cấm các ứng dụng AI được cho là "không thể chấp nhận được" về mức độ rủi ro mà chúng gây ra. Các ứng dụng AI như vậy có tính chất của hệ thống "chấm điểm xã hội" xếp hạng công dân dựa trên tổng hợp và phân tích dữ liệu của họ, chính sách dự đoán và nhận diện cảm xúc ở nơi làm việc và trường học.

Các hệ thống AI có rủi ro cao được xác định dùng cho các phương tiện tự hành hoặc thiết bị y tế và được đánh giá dựa trên rủi ro mà chúng gây ra đối với sức khỏe, sự an toàn và các quyền cơ bản của công dân. Ngoài ra, còn có các ứng dụng AI trong tài chính và giáo dục, những lĩnh vực có nguy cơ sai lệch trong thuật toán AI.

Ông Matthew Holman, một đối tác quản lý tại công ty luật Cripps, cho rằng các quy định trong đạo luật AI của EU sẽ có ý nghĩa lớn đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đang phát triển, tạo ra, sử dụng hoặc bán lại công nghệ AI ở EU, mà trong đó các công ty công nghệ Mỹ chắc chắn sẽ được chú ý.

"Đạo luật AI của EU không giống bất kỳ luật nào ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất", ông Holman nhận xét, đồng thời lưu ý: "Lần đầu tiên nó tạo ra một chế độ quản lý chi tiết cho lĩnh vực AI".

"Các 'gã khổng lồ' công nghệ Mỹ đã và đang theo sát những vấn đề liên quan đến đạo luật này", ông Holman nhấn mạnh. "Đã có rất nhiều nguồn tài trợ cho các hệ thống AI tạo sinh hướng tới công chúng, hệ thống này sẽ cần đảm bảo tuân thủ luật mới, một đạo luật khá khó khăn ở một số nơi".

Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp cao nhất của EU, sẽ có quyền xử phạt các công ty vi phạm đạo luật AI với mức phạt lên tới 35 triệu EUR (tương đương 38 triệu USD) hoặc 7% doanh thu toàn cầu hàng năm của các công ty vi phạm, tùy theo mức nào cao hơn.

Các điều chỉnh trong đạo luật AI được đưa ra sau khi OpenAI ra mắt nền tảng ChatGPT vào tháng 11/2022. Ở thời điểm đó, các quan chức EU nhận ra rằng luật hiện hành thiếu chi tiết cần thiết để giải quyết các khả năng tiên tiến của công nghệ AI thế hệ mới nổi và những rủi ro xung quanh việc sử dụng tài liệu có bản quyền.

Chặng đường thực hiện còn dài

Đạo luật của EU sẽ đặt ra những hạn chế cứng rắn đối với các hệ thống AI tạo sinh, được khối này gọi là AI đa chức năng (general - purpose AI). Chúng bao gồm các quy định yêu cầu tôn trọng luật bản quyền của EU, công khai minh bạch về cách đào tạo các mô hình, kiểm tra thường xuyên và các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đầy đủ.

Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian trước khi những quy định trên thực sự có hiệu lực, theo bà Dessi Savova, đối tác quản lý tại công ty luật Clifford Chance (Vương quốc Anh). Các quy định hạn chế đối với các hệ thống AO đa chức năng sẽ không được áp dụng cho đến 12 tháng sau khi đạo luật AI có hiệu lực.

Các hệ thống AI tạo sinh hiện có sẵn trên thị trường, như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google và Copilot của Microsoft, sẽ có "giai đoạn chuyển tiếp" 36 tháng để điều chỉnh công nghệ, kể từ ngày đạo luật AI có hiệu lực.

"Thỏa thuận về đạo luật AI đã được thống nhất và bộ quy tắc đó sắp trở thành hiện thực", bà Savova cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Bây giờ, sự chú ý phải chuyển sang việc triển khai và thực thi hiệu quả đạo luật đó".

Tin bài liên quan