ETF nội bị thờ ơ, vì sao?

Cuối tuần qua, ETF SSIAM HNX30, quỹ đầu tư chỉ số (ETF) thứ hai đã chính thức được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến của người anh em đã giao dịch trên thị trường - ETF VFMVN30, nhà đầu tư không khỏi lo lắng về sự sôi động của các quỹ ETF nội.
Nhìn diễn biến của ETF VFMVN30, nhà đầu tư không khỏi lo lắng về sự sôi động của các quỹ ETF nội

Nhìn diễn biến của ETF VFMVN30, nhà đầu tư không khỏi lo lắng về sự sôi động của các quỹ ETF nội

ETF SSIAM HNX30 do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI quản lý. Đây là ETF thứ hai được cấp phép với vốn điều lệ 101 tỷ đồng. Quỹ này sẽ đầu tư bám sát mức sinh lời thực tế của chỉ số HNX30 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tùy từng thời điểm, Quỹ sẽ áp dụng phương pháp đầu tư mô phỏng toàn bộ, hoặc một phần rổ cổ phiếu HNX30 để giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.

Trước đó, ETF đầu tiên đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là ETF VFMVN30 do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý.

ETF VFMVN30 có quy mô gấp đôi ETF SSIAM HNX30, với vốn điều lệ 202 tỷ đồng, đối tượng đầu tư của ETF VFMVN30 là bám sát chỉ số VN30 trên HOSE.

Trước khi các ETF chính thức có mặt trên thị trường, giới chuyên môn và nhiều nhà đầu tư cũng đã từng đặt khá nhiều kỳ vọng vào việc các quỹ này sẽ tạo ra một “làn gió mới” trên thị trường chứng khoán.

Kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở, bởi ETF có những đặc tính ưu việt so với các loại hình quỹ đầu tư truyền thống trước đây.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (HOSE) cho rằng, do ETF là đầu tư thụ động theo rổ chỉ số định sẵn, nên quỹ có thể giảm thiểu chi phí nghiên cứu, phân tích… Theo đó, phí quản lý của ETF cũng thấp hơn tương đối nhiều so với các loại hình quỹ khác, thường chỉ khoảng 1% so với mức phí 2 - 2,5% của các hình thức quỹ khác. Điều này giúp cho ETF thường có giá giao dịch sát với giá trị tài sản ròng.

Ngoài ra, thời gian dài trước đây khi chưa có mặt các ETF nội, những động thái của các quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Hai ETF ngoại tạo ra sự khuấy động trên sàn chứng khoán là FTSE Vietnam (do Deusche Bank AG quản lý) và VNM (do Van Eck Global quản lý). Tổng tài sản của 2 quỹ này hiện khoảng 700-800 triệu USD. Trong đó, Quỹ FTSE Vietnam có 12,1 triệu chứng chỉ quỹ; VNM có 23,6 triệu chứng chỉ quỹ.

Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến giao dịch của ETF đầu tiên là ETF VFMVN30 từ khi niêm yết đến nay cho thấy, giao dịch của ETF nội vẫn khá ảm đạm. Theo công bố của VFM về giá trị tài sản ròng ETF VFMVN30 đến ngày 10/12 chỉ còn hơn 191 tỷ đồng, tức đã giảm hơn 10 tỷ đồng so với mức 202 tỷ đồng giá trị vốn huy động ban đầu. Theo đó, giá trị của mỗi chứng chỉ quỹ chỉ còn 9.458 đồng/chứng chỉ quỹ (mệnh giá tại thời điểm phát hành là 10.000 đồng).

Trong khi đó, khối lượng giao dịch của chứng chỉ quỹ cũng không được sôi động cho lắm. ETF VFMVN30 thời gian qua mỗi phiên chỉ giao dịch khoảng vài trăm ngàn chứng chỉ quỹ, thậm chí có nhiều phiên chỉ có vài chục ngàn chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng. Đây là tỷ lệ khá nhỏ so với tổng khối lượng hơn 20 triệu chứng chỉ quỹ đang niêm yết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn mới đây, ông Huy Nam, chuyên gia thị trường chứng khoán cho biết, thực chất, việc giao dịch của ETF chưa được sôi động là do ETF vẫn còn khá mới, nên nhà đầu tư chưa quen.

Hơn nữa, các chỉ số là đối tượng đầu tư của quỹ cũng chưa thực sự ổn định. Chẳng hạn, trong rổ chỉ số VN30, nhiều cổ phiếu đầu danh mục đã hết “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi 5 - 7 cổ phiếu cuối danh mục lại chưa phải là những cổ phiếu thực sự mạnh.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng trở lại đây, đúng thời điểm quỹ ETF mới nhập cuộc, thì lại là thời điểm thị trường chứng khoán đi xuống. Đây cũng là một trong những yếu tố kém may mắn cho thời điểm khởi đầu của ETF. Chỉ số VN-Index từ giữa tháng 9 đến này đã giảm từ mặt bằng 630 điểm xuống mốc dưới 560 điểm.

Qua những diễn biến hiện tại, một số nhà quan sát cho rằng, hiện cũng vẫn còn quá sớm để đánh giá sự thành công của các ETF nội. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Huy Nam, các thành viên lập quỹ cũng cần có những động thái năng động hơn nữa để có thể giữ nhịp thị trường và thu hút nhà đầu tư tham gia tích cực hơn.

Tin bài liên quan