Khi Covid-19 xảy ra, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên (ảnh dây chuyền sản xuất thịt mát MeatDeli)

Khi Covid-19 xảy ra, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên (ảnh dây chuyền sản xuất thịt mát MeatDeli)

ESG vẫn là khoản đầu tư có giá trị

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Thứ tự ưu tiên cho các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) theo đó có sự thay đổi, nhưng những doanh nghiệp đầu tư tốt vào ESG có xu hướng phản ứng tốt hơn với Covid-19.

Thuật ngữ ESG thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư có trách nhiệm khi họ cân nhắc cả 3 yếu tố trước khi quyết định đầu tư cũng như theo dõi các khoản đầu tư.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến ESG, không chỉ bởi các quy định của luật pháp, mà còn bởi đó chính là xu hướng và thông lệ tốt trên thế giới.

Kể từ khi Việt Nam có ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 2/2020, diễn biến của dịch bệnh rất khó lường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp về vấn đề tài chính, dự báo, nguồn cung ứng, nhân lực, thị trường, thậm chí là khả năng hoạt động liên tục. Tất nhiên, Covid-19 cũng ảnh hưởng đến các hoạt động ESG của nhiều doanh nghiệp.

Các vấn đề về xã hội được quan tâm nhiều hơn

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Ðiều hành Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Ðiều hành Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Trong trạng thái bình thường trước đây, mỗi doanh nghiệp có các đánh giá trọng yếu riêng để xem đâu là những vấn đề ESG liên quan nhất đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời kỳ Covid-19, thứ tự ưu tiên bị thay đổi, doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề cấp bách hơn.

Nếu như các vấn đề môi trường trước đây được quan tâm hơn các vấn đề về xã hội thì trong thời kỳ Covid-19, các vấn đề về xã hội được quan tâm nhiều hơn, chú trọng vào yếu tố sức khỏe, đảm bảo sự trung thành, chia sẻ thông tin giữa người lao động và ban lãnh đạo công ty, đảm bảo công bằng, đảm bảo an toàn công việc, kết nối với cộng đồng địa phương.

Trong đó, mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp chính là sức khỏe của người lao động, sức khỏe của khách hàng, nhà cung cấp và cả cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động. Các biện pháp để bảo đảm sức khỏe được áp dụng gần như đồng loạt với các nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp như quy định làm việc ở nhà, khai báo y tế, đeo khẩu trang, diệt khuẩn văn phòng, đảm bảo giãn cách, kiểm tra nhiệt độ cơ thể…

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Theo báo cáo của FiinGroup, mặc dù có phục hồi đáng kể vào quý III/2020, nhưng trong tổng số 742 doanh nghiệp niêm yết được thống kê, lợi nhuận trong 3 quý đầu năm vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có những ngành giảm hơn 200%. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải đưa ra các quyết định khó khăn liên quan đến cắt giảm nhân sự và/hoặc giảm lương.

Trong đợt đỉnh điểm của dịch Covid-19 lần thứ nhất, nhiều doanh nghiệp lớn đẩy mạnh hoạt động đối thoại với nhân viên thông qua các cuộc nói chuyện định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Thông qua các cuộc nói chuyện này, ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ các khó khăn và định hướng với nhân viên, giúp nhân viên an tâm khi biết được tương lai của họ cũng như cách mà doanh nghiệp đối mặt với Covid-19.

Ở góc độ quản trị, các doanh nghiệp quan tâm hơn đến cách thức giao tiếp và thông tin tới cổ đông, đặc biệt trong tình huống nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức được cuộc họp đại hội đồng cổ đông theo kế hoạch ban đầu vì Covid-19. Không ít doanh nghiệp đã tổ chức họp đại hội trực tuyến nhằm đảm bảo sức khỏe cho cổ đông, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều cổ đông tham dự hơn.

Doanh nghiệp đầu tư vào ESG có phản ứng tốt hơn với Covid-19

Mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc chỉ số VNSI thấp hơn so với các doanh nghiệp khác. Chỉ số này bao gồm cổ phiếu của các công ty có điểm phát triển bền vững cao nhất được niêm yết trên HOSE.

Thực tế hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiết yếu cho thấy, trong thời kỳ Covid-19, các thủ tục thông quan khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài tăng lên, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư đúng hướng vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm cũng như đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn từ trước khi Covid-19 xuất hiện, nên doanh nghiệp này không gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa.

Ở một diễn biến khác, một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, khách hàng có thể tìm hiểu và mua sản phẩm qua website mà không phải trực tiếp đến quầy giao dịch, qua đó tránh được rủi ro nhiễm bệnh. Covid-19 chính là lý do để doanh nghiệp này thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Tận dụng cơ hội để hoàn thiện và phát triển

Không ít doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội do Covid-19 mang lại để đưa ra các sản phẩm mới, phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong nhóm này, không thể không kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong thời kỳ Covid-19, làm việc tại nhà (work from home) trở thành một thuật ngữ quen thuộc và được nhiều công ty áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo nhân viên làm việc được tại nhà thì các giải pháp về thông tin, liên lạc, phần mềm quản lý phải được thực hiện một cách đầy đủ. Không ít doanh nghiệp công nghệ thông tin đã cho ra đời các nền tảng hỗ trợ làm việc online trong thời kỳ dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp trong rổ chỉ số VNSI đã tranh thủ cơ hội này để hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động trong tương lai. Doanh nghiệp cũng triển khai các dự án quản trị nội bộ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như kỳ vọng tăng tốc sau đại dịch.

Tin bài liên quan