ESG là công cụ dự phòng rủi ro cho doanh nghiệp

ESG là công cụ dự phòng rủi ro cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ESG không chỉ là bộ ba tiêu chuẩn đo lường các định hướng, hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp, mà còn bao hàm các rủi ro và cơ hội có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.

Đây là quan điểm của bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban IV, Chuyên gia phát triển khu vực tư nhân khẳng định tại Toạ đàm Xây lợi thế - Vững tương lai chiều ngày 14/03.

Hiện nay, định nghĩa về thành công của các doanh nghiệp đã thay đổi, không chỉ ở khía cạnh tài chính mà còn là các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Theo ông Bùi Thanh Minh, Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, Văn phòng Ban IV, trước đây, các vấn đề liên quan đến bộ tiêu chuẩn ESG đều dựa trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, nhưng hiện nay, ESG là tiêu chuẩn bắt buộc và ngày càng khắt khe hơn.

Từ góc nhìn của một quỹ đầu tư, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu, Quỹ responsAbility Investments AG (Thuỵ Sĩ) khẳng định, ESG là điều kiện cần khi xem xét đầu tư hiện nay, vì đó là một phần của quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Trong quá khứ, có những khoản đầu tư rất tốt nhưng doanh nghiệp gặp vấn đề về quản trị dẫn đến những rủi ro lớn, do đó, nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm đầu tư vào những đơn vị này.

Các diễn giả tham gia toạ đàm.
Các diễn giả tham gia toạ đàm.

Về bối cảnh quốc tế, bà Thuỷ đánh giá biến đổi khí hậu đòi hỏi cả thế giới phải chung tay đạt mục tiêu Net-zero. Các vấn đề xung đột địa chính trị, địa kinh tế như Nga – Ukraine, Trung Đông, Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Khủng hoảng năng lượng luôn thường trực về nguồn cung và giá. Trong khi đó, sự cạnh tranh về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhìn chung, trật tự thế giới đang được sắp xếp gắn với năng lực số và năng lực xanh.

Theo thống kê của Goldman Sachs, số lượng chính sách liên quan đến ESG ở Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần kể từ năm 2016. Còn số lượng chính sách trên toàn cầu tăng 1,9 lần. Nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững hoặc thực hành ESG. Cụ thể, Mỹ đã có dự thảo Luật Cạnh tranh sạch; Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có những cơ chế tương tự, trước mắt là các sáng kiến xanh trong nước hoặc trong khối các nước.

Nhìn về bối cảnh trong nước, Việt Nam đang có 2 bài toán lớn. Một là đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao. Hai là đến năm 2025, Việt Nam đạt được Net-zero. Nhưng nhìn lại, nước ta có xuất phát điểm thấp, nhiều thách thức khi nền kinh tế thâm dụng vốn tự nhiên về các yếu tố đất đai, nước, môi trường; nội lực doanh nghiệp hạn chế không dựa trên nhiều công nghệ và động lực tăng trưởng dựa trên xuất khẩu gặp nhiều thách thức.

Bà Thuỷ chỉ ra áp lực với doanh nghiệp Việt Nam hiện tại là rào cản kỹ thuật để gia nhập các thị trường lớn; hàng hoá đắt đỏ hơn, giảm tính cạnh tranh và áp lực từ các doanh nghiệp đầu chuỗi. Dù áp lực rất lớn, nhưng từ đó, ESG sẽ tạo được những động lực quan trọng để các doanh nghiệp phấn đấu.

Thứ nhất là tăng lợi nhuận từ việc giảm chi phí nhờ chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp. Doanh thu cũng tăng thông qua các sản phẩm mới tích hợp các tiêu chí bền vững.

Thứ hai là chi phí gọi vốn thấp hơn. Khi các công cụ nợ có tích hợp yếu tố bền vững đang phát triển mạnh mẽ, các nhà đầu tư đã bắt đầu hành động tích cực để thúc đẩy sự bền vững trong những công ty được đầu tư.

Thứ ba là tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần tuân thủ pháp luật trong nước mà cả luật pháp quốc gia đối tác. Hiện nay, các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam đã thường xuyên đưa ra các dự thảo và thi hành luật liên quan đến ESG, phát triển bền vững.

Thứ tư là tăng năng suất của nhân viên. ESG sẽ tạo ra môi trường làm việc có mục tiêu, cải thiện sự gắn kết của nhân viên và đảm bảo nhân sự có đủ trình độ để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

“Lấy E làm trọng tâm vì đó là áp lực, còn S và G là giá trị gia tăng – động lực cho doanh nghiệp. Kết hợp ESG để tối ưu cơ hội, tối thiểu thách thức”, bà Thuỷ nói.

Tin bài liên quan