(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

EPS và tính giá cổ phiếu pha loãng khi chuyển đổi trái phiếu

(ĐTCK-online) Một chủ đề khá dai dẳng đó là tính EPS của DN thế nào cho đúng, cũng như việc điều chỉnh giá khi DN chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Bài viết này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sửa đổi Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 30 (VAS 30) và một số quy định khác để làm nổi bật cách tính EPS và minh bạch báo cáo tài chính cho NĐT.

Thời điểm để tính việc tăng vốn

VSA 30 hướng dẫn khá chi tiết cách tính khối lượng cổ phiếu phát hành bình quân.

Thứ nhất, về thời điểm tính vốn bình quân gia quyền đối với việc phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tại đoạn 19 của VSA 30 quy định: "Cổ phiếu phổ thông được tính vào số bình quân gia quyền của cổ phiếu kể từ ngày có thể nhận được khoản thanh toán cho cổ phiếu đó".

Tuy nhiên, trên TTCK Việt Nam hiện tại, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu gồm có các ngày sau cần phải lưu ý: ngày giao dịch không hưởng quyền, ngày chốt danh sách, ngày thanh toán, ngày giao dịch chính thức của cổ phiếu phát hành thêm. Tại ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh. Do đó, ngày thanh toán cổ phiếu không bị điều chỉnh giá. Vì vậy, theo ý kiến của người viết, việc tính số ngày lưu hành bình quân của cổ phiếu phải tính từ ngày giao dịch không hưởng quyền. Còn khối lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ tính chốt tại ngày thanh toán, để loại bỏ các cổ phiếu không được đặt mua hết hay phát sinh cổ phiếu lẻ. Quy định tại đoạn 19 nêu trên chỉ nên áp dụng đối với việc phát hành cho cổ đông chiến lược, cán bộ - công nhân viên.

Thứ hai, về thời điểm tính vốn bình quân gia quyền đối với việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng. Điểm b, đoạn 19 của VSA 30 quy định: "Cổ phiếu phổ thông được phát hành thay cho việc tính trả cổ tức của cổ phiếu phổ thông hay cổ tức của cổ phiếu ưu đãi được tính vào số bình quân gia quyền của cổ phiếu khi cổ tức được chuyển đổi thành cổ phiếu".

Tại phần ví dụ điểm c, khoản 2.2, phần hướng dẫn VSA 30 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính quy định đã nhầm lẫn khi viết rằng: "phát hành cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận chưa phân phối". Theo quy định tại Thông tư 18/2007/TT-BTC, cổ phiếu thưởng là cổ phiếu được phát hành từ nguồn thặng dư vốn của công ty và chỉ được chia sau khi dự án mà công ty phát hành vốn để sử dụng đã đi vào hoạt động được 3 năm. Do đó, theo quan điểm của người viết, cả VSA 30 và Thông tư 21 nên có sự chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Đối với việc phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn thì việc tính thời gian lưu hành của cổ phiếu phải bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm tài chính đó, do khoản vốn đó đã tồn tại vượt quá 1 năm trên bảng cân đối kế toán của công ty.

Đối với việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại của năm tài chính, thì thời gian lưu hành của cổ phiếu cần phải có sự phân biệt:

- Nếu nguồn trả cổ tức là từ lợi nhuận để lại của các năm tài chính trước đó, thì thời gian lưu hành phải tính từ ngày đầu tiên của năm tài chính.

- Nếu nguồn trả cổ tức là tạm ứng từ lợi nhuận để lại từ năm tài chính hiện hành thì ngày lưu hành của cổ phiếu phải tính từ ngày giao dịch không hưởng quyền. Bởi lẽ, vào ngày đó, giá tham chiếu của cổ phiếu đã bị điều chỉnh và không phải tất cả lợi nhuận đó đều có được từ ngày đầu tiên của năm tài chính hiện hành.

 

Yêu cầu trình bày EPS và cách tính EPS

Theo quy định tại đoạn 60 của VSA 30 thì công ty mẹ cũng phải trình bày EPS. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư 21/2006/TT-BTC, "công ty cổ phần là công ty mẹ phải trình bày cáo cáo tài chính hợp nhất thì chỉ phải trình bày chỉ tiêu EPS trên báo cáo tài chính hợp nhất, mà không phải trình bày trên báo cáo tài chính riêng".

Theo quan điểm của người viết, bắt buộc phải trình bày chỉ tiêu EPS trên cả hai loại báo cáo tài chính (báo cáo của công ty mẹ và báo cáo hợp nhất) để NĐT được biết, ít nhất là để giải thích cho trường hợp trả cổ tức năm 2009 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VGC). Cụ thể, VCG ra quyết định chia cổ tức năm 2009 với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt, trong khi quỹ lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tài chính hợp nhất là một số âm, nhưng lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính của công ty mẹ thừa để trả cổ tức.

Về cách tính khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm trên thuyết minh báo cáo tài chính, để NĐT hiểu rõ hơn cách tính EPS của DN và có điều kiện kiểm tra lại, cần thiết phải bắt buộc trình bày cách tính này, đặc biệt trong điều kiện các DN đua nhau phát hành cổ phiếu. Người viết đề xuất một bảng tính như sau (xem bảng).

 EPS và tính giá cổ phiếu pha loãng khi chuyển đổi trái phiếu ảnh 1

Việc pha loãng giá cổ phiếu khi chuyển đổi trái phiếu

Tại Việt Nam, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào mang tính pháp lý đối với việc tính giá pha loãng của cổ phiếu khi DN phát hành trái phiếu chuyển đổi. Theo quan điểm của người viết, nên tính giá pha loãng của cổ phiếu tại thời điểm trái phiếu trở thành cổ phiếu như sau:

 

Giá pha loãng  = (T*PCB + S*PS)/(T +S)

Trong đó:

T: Khối lượng cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu

PCB: Giá chuyển đổi

T*PCB: Tổng giá trị phát hành trái phiếu chuyển đổi

S: Khối lượng cổ phiếu hiện hành trước khi chuyển đổi trái phiếu

PS: Giá thị trường của cổ phiếu tại ngày trước ngày chuyển đổi

T+S: tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chuyển đổi.

 

Giá pha loãng của cổ phiếu khi chuyển đổi trái phiếu có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường của cổ phiếu trước khi chuyển đổi.

Ví dụ: Nếu giá chuyển đổi của cổ phiếu được quy định từ khi phát hành là 36.500 đồng, trong khi giá thị trường của cổ phiếu là 27.000 đồng, tổng giá trị trái phiếu chuyển đổi đã phát hành là 365 tỷ đồng, tổng khối lượng cổ phiếu trước khi chuyển đổi là 10 triệu đơn vị (mệnh giá 10.000 đồng/CP), thì giá pha loãng của cổ phiếu sẽ là 31.750 đồng. Công thức tính như sau:

Giá pha loãng = (365 tỷ + 270 tỷ)/(10.000.000 + 10.000.000) = 31.750