Chưa có chuẩn "sinh thái"
Đánh giá cao vai trò của khu công nghiệp sinh thái, ông Lã Thanh Tân, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã kích hoạt chuyển đổi kinh tế theo hướng ưu tiên công nghệ cao, kinh tế số và phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung, khu công nghiệp sinh thái nói riêng là giải pháp. Trong đó, khu công nghiệp sinh thái là mô hình hướng tới việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không chỉ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, mà còn giảm thiểu tác động tới môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Tân, là một chủ trương lớn của Nhà nước nên hành lang pháp lý xây dựng và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đã được ban hành, với trọng tâm là Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là cho các ban quản lý khu công nghiệp còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản, chất lượng thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu cũng như tính liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Ông Tân cho rằng, thực tế cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đều đang mong muốn sửa đổi toàn diện Nghị định 82/20218 để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho đầu tư kinh doanh và huy động nguồn lực tư nhân để phát triển công nghiệp sinh thái.
Còn theo ông Trần Đại Nghĩa, chuyên gia pháp lý dự án, dù Chính phủ đang vận động phát triển khu công nghiệp sinh thái, nhưng do Việt Nam chưa có khu công nghiệp nào được gọi là sinh thái theo chuẩn quốc tế, nên vấn đề trước mắt là phải định nghĩa cụ thể khu công nghiệp sinh thái: là khu công nghiệp có tỷ lệ cây xanh nhiều, hay là thu hút các ngành nghề không ô nhiễm, mức phát thải các-bon thấp…, bởi chỉ khi có định nghĩa hoàn chỉnh thì mới xác định được ưu đãi cho chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái.
“Nhìn vào các điều kiện, quy định hiện hành, doanh nghiệp làm khu công nghiệp sinh thái chưa nhận được ưu đãi đáng kể. Ví dụ, trong khu công nghiệp nếu có áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì mật độ sử dụng đất phải được tăng thêm, có như vậy thì chủ đầu tư mới có động lực để làm”, ông Nghĩa nói, đồng thời cho biết thêm, hiện nay, ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp thông thường không có nhiều khác biệt, trong khi chi phí đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái cao hơn 25-30%, dẫn tới các chủ đầu tư chưa mặn mà.
Chi phí đầu tư khu công nghiệp sinh thái cao gấp 2-3 lần khu công nghiệp thông thường. Ảnh: Thành Nguyễn |
Ưu đãi chưa đủ, phân quyền chưa phù hợp
Cũng đánh giá về thực trạng phát triển khu công nghiệp sinh thái hiện nay, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, để được công nhận là khu công nghiệp sinh thái, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí tại Điều 37 - Nghị định 82/2018, chủ đầu tư còn phải hoàn thiện nhiều thủ tục khác.
“Chỉ riêng quy trình thẩm định hồ sơ công nhận khu công nghiệp sinh thái đã mất nhiều thời gian do phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là trình hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái lên ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế địa phương. Tiếp đó, ban quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến của 6 bộ, ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng…). Sau khi có ý kiến của các bộ ngành, nếu được chấp thuận thì ban quản lý mới tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái”, ông Điệp liệt kê.
Liên quan tới chính sách ưu đãi, để phát triển mô hình mới này, ông Điệp cho rằng, ngoài quy định chung hiện hành, cần có những ưu đãi riêng cho khu công nghiệp sinh thái như với khu kinh tế.
“Chẳng hạn, về thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, thời gian áp dụng miễn giảm theo quy định chung của pháp luật hiện hành. Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án. Về thuế xuất nhập khẩu: Ưu đãi chung theo quy định pháp luật hiện hành. Về tiền thuê đất, thuê mặt nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê”, ông Điệp đề xuất.
Bên cạnh các vấn đề về thuế phí, thủ tục hành chính, một bất cập khác cũng cần sớm được tháo gỡ, theo ông Lã Thanh Tân, đó là công tác phân cấp, phân quyền, bởi hiện nay, thẩm quyền cấp chứng nhận được giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng việc thẩm định lại do các bộ, ngành liên quan thực hiện, như vậy là chưa phù hợp.
“Nên giao công tác thẩm định hồ sơ công nhận khu công nghiệp sinh thái cho ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện vì khung pháp lý đã có sẵn và các đơn vị này chỉ cần căn cứ vào đó để làm. Hơn nữa, điều này cũng đảm bảo tương thích với việc giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái”, ông Tân nói.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ tờ trình 7320/TTr-BKHĐT liên quan tới việc ban hành nghị định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có nhiều nội dung khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Ghi nhận ý kiến từ các thành viên thị trường, có một điểm chung là các chủ đầu tư đều mong muốn ưu đãi dành cho khu công nghiệp sinh thái cần rõ ràng, cụ thể hơn. Riêng với quy trình công nhận dự án khu công nghiệp sinh thái, cần phân quyền tập trung cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố xem xét và công nhận, thay vì phân tán như hiện tại.