Tuần trước, đoàn doanh nghiệp của EMS, trong đó có ông Rene Berri, đại diện khu vực châu Á của EMS, đã được ngài Andrei Motyl, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, giới thiệu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chi tiết của kế hoạch này không được EMS tiết lộ, song theo thông tin của Báo Đầu tư, thì tập đoàn này có kế hoạch xây dựng một nhà máy với quy mô sử dụng đất 50.000 - 80.000 m2, tuyển dụng 100 - 300 lao động công nghiệp trình độ cao. Mong muốn của phía EMS là có một địa điểm ở vị trí giao thông thuận tiện, nguồn điện ổn định, có nhà máy xử lý nước thải cho các ngành công nghiệp hữu cơ…
Được biết, EMS đã từng đến Thanh Hóa và Hải Phòng để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Và ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuần trước, EMS đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng. Nhiều khả năng, EMS sẽ lựa chọn Hải Phòng, và có thể là Khu công nghiệp Đình Vũ, để dừng chân.
“Một khi EMS đầu tư vào Việt Nam thì sẽ kéo theo các doanh nghiệp Thụy Sỹ khác đầu tư vào Việt Nam”, Đại sứ Andrei Motyl nói và cho biết, EMS đã từng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và lần này muốn tìm hiểu thêm về các cơ chế, chính sách, các cam kết về môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2014, Thụy Sỹ có 98 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,83 tỷ USD, xếp thứ 19/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư vào những ngành có thế mạnh, như sản xuất đồng hồ, điện cơ, hóa chất, dược phẩm, tài chính - ngân hàng…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nói.
Theo Thứ trưởng Trung, sản xuất polymer là một trong những công nghệ và sản phẩm được ưu tiên khuyến khích phát triển và được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất. Vì thế, EMS nếu đầu tư vào Việt Nam, có khả năng được hưởng các ưu đãi như thuế thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.