Elon Musk lại là tâm điểm trên thị trường chứng khoán với thương vụ mua cổ phiếu Twitter

Elon Musk lại là tâm điểm trên thị trường chứng khoán với thương vụ mua cổ phiếu Twitter

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thương vụ bất ngờ mua hơn 73 triệu cổ phiếu Twitter từ Elon Musk và đưa ông trở thành cổ đông lớn nhất của mạng xã hội này, sau những "hờn dỗi" về quyền biểu đạt nhắm vào Twitter của ông đã thực sự tạo nên một phiên giao dịch đáng ghi nhớ trên phố Wall.

Các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng vào thứ Hai (4/4), được thúc đẩy bởi cổ phiếu công nghệ với tâm điểm là Twitter. Dù vậy, giới đầu tư cũng cảnh giác với các tín hiệu cảnh báo trên thị trường trái phiếu và các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Cổ phiếu Twitter đã tăng tới 27,1%, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ thời điểm IPO, sau khi Elon Musk - CEO của Tesla Inc tiết lộ đã mua 73,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,2% cổ phần của Twitter và trở thành cổ đông lớn nhất của mạng xã hội này. Khá bất ngờ là Elon Musk trước đó đã nhiều lần không tiếc lời chỉ trích Twitter vì giới hạn quyền tự do biểu đạt của ông.

Cổ phiếu Tesla của Elon Musk đã tăng 5,6% sau khi công ty hôm thứ Bảy báo cáo lượng giao xe điện kỷ lục trong quý đầu tiên của năm mới.

Phiên này, cùng với Tesla, nhóm cổ phiếu công nghệ khác như Apple tăng 2,4%, Amazon tăng 2,9%, và Microsoft tăng 1,8% đã là động lực lớn nhất đối với S&P 500.

Tuy nhiên, 7 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó tiện ích và chăm sóc sức khỏe đều giảm khoảng 0,8%.

Giới đầu tư cũng chú ý đến thị trường trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng và đường cong lợi suất kỳ hạn 2 năm/10 năm vẫn đang bị đảo ngược. Sự đảo ngược đường cong được coi là báo hiệu của một cuộc suy thoái trong hai năm tới hoặc lâu hơn.

Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về cuộc khủng hoảng tại châu Âu với khả năng Nga bị siết trừng phạt dẫn tới đánh giá rằng nguồn cung năng lượng có thể trở nên thắt chặt hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng phương Tây có thể nhất trí gia tăng trừng phạt đối với Moscow sau vài ngày nữa. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch chưa được công bố.

Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones tăng 103,61 điểm (+0,30%), lên 34.921,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,78 điểm (+0,81%), lên 4.582,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 271,05 điểm (+1,90%), lên 14.532,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ tăng hơn 2%, trong khi các nhà đầu tư để mắt đến các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,84% lên 462,19 điểm, với cổ phiếu công nghệ tăng 2,1%, theo dõi mức tăng của Nasdaq Phố Wall sau khi Elon Musk tiết lộ mua 9,2% cổ phần của Twitter.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận trước vòng bỏ phiếu đầu tiên của Pháp vào Chủ nhật cho thấy nước này phải đối mặt với sự lặp lại của cuộc tranh cử năm 2017 giữa Emmanuel Macron và Marine Le Pen.

Dean Turner, nhà kinh tế tại UBS cho biết: “Các nhà đầu tư đang xem xét cuộc bầu cử này, với khả năng cao là Macron sẽ có thêm một nhiệm kỳ ... Nếu ông ấy thắng, không có khả năng dẫn đến sự thay đổi quan trọng,” Dean Turner, nhà kinh tế tại UBS cho biết.

Chỉ số Bluechip CAC 40 của Pháp đã tăng 0,7% trong ngày.

Trong một diễn biến khác, Đức cho biết phương Tây sẽ đồng ý áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt cho đến nay đã khiến giá hàng hóa tăng vọt, làm gia tăng lo ngại lạm phát và gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc thắt chặt chính sách.

Điều này có thể có nghĩa là STOXX 600 sẽ còn chịu áp lực, sau khi đã giảm khoảng 7% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 1/2022.

Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 21,02 điểm (+0,28%), lên 7.558,92 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 71,68 điểm (+0,50%), lên 14.518,16 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 47,06 điểm (+0,70%), lên 6.731,37 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ sức ảnh hưởng các thị trường chứng khoán châu Á khác, mặc dù vậy, đà tăng bị chặn lại bởi sự suy yếu của nhóm cổ phiếu liên quan đến chip.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch tết Thanh Minh.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, dẫn đầu bởi các công ty niêm yết kép tại Hồng Kông và Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng theo chân các chỉ số tương lai của Phố Wall.

Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 70,49 điểm (+0,25%), lên 27.736,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 462,76 điểm (+2,10%), lên 22.502,31 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 18,05 điểm (+0,66%), lên 2.757,90 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Hai nhích lên, khi giới đầu tư trú ẩn an toàn, giữa bối cảnh các nước phương Tây có khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Kết thúc phiên 4/4, giá vàng giao ngay tăng 7,6 USD lên 1.933,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm không đáng kể xuống 1.933,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng trở lại, khi lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn do khả năng các nước châu Âu sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Kết thúc phiên 4/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 4,01 USD (+3,88%), lên103,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,14 USD (+2,92%), lên 107,53 USD/thùng.

Tin bài liên quan