Từ lâu, Tesla đã có kế hoạch mở rộng hơn nữa sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn là thị trường lớn nhất toàn cầu đối với các phương tiện sử dụng điện. Năm 2017, cư dân quốc gia này chiếm hơn một nửa số lượng khoảng 1 triệu sản phẩm được bán ra thị trường.
Trong thông báo gần đây, Tesla đã đưa ra kế hoạch xây dựng “siêu nhà máy” tại Thượng Hải với chi phí khoảng 2 tỷ USD và số tiền này chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay các ngân hàng tại địa phương. Nhà máy dự kiến sản xuất khoảng 250.000 xe thuộc dòng Model 3 sedans và các bộ sạc pin mỗi năm kể từ năm 2021, với công suất được nâng lên gấp đôi trong mỗi giai đoạn tiếp theo.
Hiện tại, Tesla dường như đang là người thắng cuộc tại thị trường Trung Quốc. Không như Mỹ, chính quyền Trung Quốc có những chính sách ổn định thể hiện sự ủng hộ đối với các phương tiện dùng điện.
Thực tế, Bắc Kinh đang rất mong muốn có thể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn và giảm nhập khẩu dầu với mục tiêu đưa 7 triệu phương tiện dùng năng lượng sạch vào sử dụng cho tới năm 2025.
Bên cạnh đó, Tesla được hưởng lợi từ việc Trung Quốc nới lỏng giới hạn sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại lĩnh vực ô tô. Nhà máy tại Thượng Hải sẽ do mình Công ty sở hữu, tạo điều kiện kiểm soát tốt hơn toàn bộ quá trình sản xuất, trong khi bảo vệ được công nghệ lõi và hạn chế việc chia sẻ lợi nhuận với các đối tác địa phương, theo Alex Xie, cổ đông góp vốn tại Boston Consulting Group.
Chưa kể, việc sản xuất tại Trung Quốc giúp Tesla tránh được bị đánh thuế 40% đối với phương tiện nhập khẩu từ Mỹ, biện pháp vừa được Đại lục áp dụng nhằm đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Theo Wang Jiajia, chiến lược gia tại HIS Markit, dù địa điểm xây dựng nhà máy chưa được công bố, nhưng nếu Tesla đặt công xưởng tại khu vực kinh tế tự do của Thượng Hải, các sản phẩm sản xuất tại đây sẽ được đối xử như hàng hóa nội địa.
Tuy nhiên, việc tự mình sở hữu hệ thống cũng mang tới những bất lợi. John Zeng, Giám đốc hãng tư vấn Trung Quốc LMC Automotive nhận định, Tesla có thể là nhà sản xuất ô tô ngoại quốc đầu tiên xây dựng được hệ thống sản xuất và phân phối tại Đại lục mà không cần sự trợ giúp của đối tác địa phương, nhưng việc có thể tăng trưởng bán hàng hay không vẫn cần thời gian giải đáp.
“Tesla thực sự cần Trung Quốc. Nếu Công ty không mở rộng hơn nữa sự hiện diện tại Đại lục, thì vị trí trên thị trường xe điện toàn cầu sẽ bị đe dọa”, John Zeng nói và cho biết, thử thách mà Tesla phải đối mặt là rất lớn, khi sức ép cạnh trạnh tại Trung Quốc mạnh hơn bất kỳ thị trường nào khác.
Hiện tại, BYD, hãng sản xuất ô tô được hỗ trợ bởi tỷ phú Warren Buffett, đang là công ty có doanh số bán hàng tốt nhất tại Trung Quốc, với 113.600 xe điện được tung ra thị trường trong năm 2017.
Trong khi đó, các thương hiệu toàn cầu như Ford Motor và Volkswagen đều đang thiết lập các liên doanh tại quốc gia này, rót hàng chục tỷ USD để sản xuất xe sử dụng điện và hệ thống phân phối tại đây. Các mẫu xe mới chuẩn bị ra mắt thị trường Trung Quốc trong vài năm tới bao gồm iX3 (BMW), e-tron (Audi) và EQC (Mercedes-Benz) đều là những đối thủ đáng gờm.
Chưa kể, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc thuộc lĩnh vực này như Xpeng, được Alibaba hậu thuẫn và Nio, do Tencent hỗ trợ đều đang có những bước nhảy vọt.
“Tesla sẽ chứng kiến số lượng đối thủ gia tăng nhanh chóng và Công ty khó giữ được vị thế nổi bật trên thị trường như hiện tại, khi khách hàng Đại lục có thêm nhiều sự lựa chọn”, John Leng nói. Chưa kể, về mặt công nghệ, hiện tại Tesla đang dẫn đầu, nhưng những doanh nghiệp địa phương đang đuổi theo rất nhanh. Tới năm 2020, khoảng cách công nghệ sẽ rất sát sao và lợi thế của Tesla gần như không còn.