Elizabeth Holmes

Elizabeth Holmes

Elizabeth Holmes – tỷ phú đâu chỉ người già

(ĐTCK) Ở  tuổi 31, Elizabeth Holmes là Chủ tịch, Giám đốc điều hành, và người sáng lập của Theranos, một công ty công nghệ y tế và các dịch vụ phòng thí nghiệm y tế.  

Holmes cũng là người phụ nữ trẻ tuổi nhất trên bảng xếp hạng tỷ phú hàng năm của tạp chí Forbes và là 1 trong 400 người giàu nhất nước Mỹ.

Biến nỗi sợ thành động lực

Elizabeth Holmes sinh vào tháng 2/1984 tại Washington, DC. Cụ của cô, ông Christian R. Holmes, từng là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng. Ông sinh ra tại Đan Mạch vào năm 1857 và là trưởng khoa của Đại học Cincinnati College of Medicine, nơi có một bệnh viện được mang tên ông. Truyền thống của dòng họ khiến Holmes rất quan tâm đến lĩnh vực y học, nhưng cô sớm phát hiện ra rằng mình có một nỗi sợ lớn đối với kim tiêm. Chính sự sợ hãi này đã trở thành một trong những động lực giúp cô khởi động Theranos.

Năm 2002, Holmes theo học tại Đại học Stanford chuyên ngành nghiên cứu hóa học. Ngay từ năm nhất, cô đã được mệnh danh là một trong những "học giả trẻ tuổi". Chính nhờ có sự “nổi tiếng” đó, Holmes đã xin được một khoản trợ cấp 3.000 USD nhằm phục vụ việc theo đuổi một dự án nghiên cứu. Cô cũng thuyết phục được giáo sư hóa học của mình, ông Channing Robertson, cùng nghiên cứu dự án này tại phòng thí nghiệm của ông.

Holmes thành lập công ty vào mùa thu năm 2003, khi mới 19 tuổi và đang là sinh viên năm hai tại Stanford. Cô đã sử dụng số tiền mà cha mẹ dành cho việc học hành của mình, để thành lập công ty Real-Time Cures ở Palo Alto, sau đó đổi tên thành Theranos. Ban đầu, cô làm việc trong tầng hầm của ký túc xá. Một học kỳ sau, Holmes quyết định bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của mình.

Holmes cho rằng các xét nghiệm máu là rất quan trọng, giúp phát hiện sớm nhiều bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp lấy máu cũ vừa tốn thời gian, tiền bạc vừa khiến nhiều người sợ hãi nên tìm cách lẩn tránh. Cô rất mong muốn thay đổi điều này. Cha cô, ông Christian IV Holmes, từng làm việc trong một tổ chức hỗ trợ nhân đạo, ở vị trí điều hành tại USAID. Cô cho biết: "Cha tôi đã làm việc trong tổ chức cứu trợ thiên tai, và do đó, tôi lớn lên ở một nơi luôn có hình ảnh các em nhỏ ở nhiều khu vực thực sự khó khăn trên thế giới, luôn bị nhiễm đủ thứ bệnh mà có rất ít phương pháp đơn giản để phát hiện ra".

"Tôi thúc giục bản thân phải tìm cách giúp đỡ họ. Sau đó, tôi nhận ra rằng một nghiên cứu về xét nghiệm máu nhanh và đơn giản có thể là một phương tiện tác động trực tiếp, đem đến sự thay đổi trong việc tìm ra bệnh của những người dân đang sống trong các môi trường khó khăn. Đây là động cơ chính để Theranos ra đời”, cô cho biết thêm. 

Cuộc cách mạng mới trong dịch vụ xét nghiệm

Thay vì phải tới gặp bác sĩ, tiến hành làm rất nhiều thủ tục và bị rút đi một lượng máu khá lớn, giờ đây khách hàng chỉ việc bước vào một cửa hàng thuốc, tới điểm đặt thiết bị xét nghiệm, thứ sẽ chỉ lấy đi một giọt máu nhỏ và nhanh chóng cho ra kết quả phân tích chính xác. Việc này sẽ giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc, đồng thời giúp các hoạt động chẩn đoán, điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Không chỉ vậy, phát minh của Theranos cũng cho phép người thực hiện các xét nghiệm có thể truy cập kết quả của mình một cách trực tiếp trên hệ thống của công ty.

Với việc cung cấp thành công các dịch vụ xét nghiệm máu, Theranos từ 400 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm ban đầu đã vươn lên, trở thành công ty có giá trị 9 tỷ USD, với 50% cổ phần thuộc về  Holmes. Trong năm 2013, Walgreens, chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn nhất của Mỹ, với hơn 8.100 cửa hàng đã công bố kế hoạch lắp đặt các điểm dịch vụ xét nghiệm máu Theranos tại các nhà thuốc của công ty. Một số cửa hàng như thế ở Phoenix, Palo Alto và California thực tế đã đi vào hoạt động.

Đến năm 2014, công ty đã cung cấp trên 200 cuộc kiểm tra xét nghiệm thành công và đã được cấp phép để hoạt động tại tất cả các bang của Mỹ. Lúc này công ty có 500 nhân viên và có giá trị hơn 9 tỷ USD.

Hiện Theranos giữ bí mật rất chặt quanh quy trình xét nghiệm máu mới của công ty. Quy trình này được bảo vệ bởi hơn một chục giấy chứng nhận đăng ký bản quyền trí tuệ. Công ty đã làm đơn đăng ký bản quyền cho các phát minh của mình từ năm 2004. Hiện Elizabeth Holmes có 18 bằng sáng chế Hoa Kỳ và 66 bằng sáng chế nước ngoài, đồng thời là đồng sáng chế của hơn 100 ứng dụng khác.

Holmes chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trẻ có những ý tưởng tuyệt vời và những hiểu biết đáng kinh ngạc, nhưng đôi khi họ chờ đợi mà chưa dám mạo hiểm”. Theo cô, "những gì tôi đã làm chỉ là bắt đầu sớm hơn một chút”

Tin bài liên quan