Hiện tại, vụ va chạm vào cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã tạm thời làm tê liệt mọi hoạt động vận chuyển hàng hải từ Cảng Baltimore. EIA cho biết, cảng này là trung tâm xuất khẩu than lớn thứ hai của Mỹ. Năm ngoái, cảng này chiếm 28% tổng lượng than xuất khẩu của Mỹ với tổng cộng 28 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu than của Mỹ ngày càng tăng ở châu Á.
Mặc dù EIA đã dự báo xuất khẩu than của Mỹ sẽ chậm lại trong năm nay do việc sử dụng năng lượng tái tạo thay thế tiêu thụ than, nhưng việc đóng cửa cảng sẽ tác động tiêu cực hơn nữa đến hoạt động xuất khẩu.
Dữ liệu EIA cho thấy, hầu hết than rời cảng Baltimore sẽ hướng tới châu Á. Trên thực tế, năm ngoái, nhu cầu than từ các nước châu Á chiếm tỷ trọng xuất khẩu tăng đột biến, đặc biệt là từ Ấn Độ. Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã mua nhiều than hơn từ Mỹ trong vài năm qua.
Xuất khẩu than luyện kim từ Cảng Baltimore trong vòng 5 năm qua đã đến một số nước châu Á. Nước nhập khẩu nhiều nhất vào năm 2023 là Nhật Bản với 28% lượng than luyện kim được vận chuyển qua cảng Baltimore. Hai nước tiếp theo nhập lượng than này trong 5 năm qua là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh than đá, thị trường năng lượng dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Các nhà phân tích của EIA cho biết, về các sản phẩm dầu mỏ, kho cảng Baltimore chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu biodeisel và dầu ăn từ các nước ở Trung Mỹ và Tây Âu.
Tuy nhiên, điều này có thể tác động đến thị trường nông sản. EIA cho biết, Cảng Baltimore là cảng ven biển gần nhất với các thị trường Trung Tây, là nơi có nhu cầu cao hơn đáng kể đối với các sản phẩm như phân bón.