“Theo thống kê của chúng tôi, Mỹ đã sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào vào bất kỳ thời điểm nào trong 6 năm liên tiếp vừa qua”, EIA cho biết.
Tính cả khí ngưng tụ, sản lượng dầu thô của Mỹ năm ngoái đạt trung bình 12,9 triệu thùng/ngày, vượt qua kỷ lục toàn cầu năm 2019 là 12,3 triệu thùng/ngày. Trong đó, tháng 12/2023 cũng ghi nhận sản lượng kỷ lục hàng tháng ở mức hơn 13,3 triệu thùng/ngày.
S&P Global đã lưu ý rằng trong vòng 62 năm trở lại đây, kể từ khi ghi nhận mức thấp kỷ lục trong năm 2008, sản lượng khai thác năm 2023 là mức cao kỷ lục từ trước tới nay và có khả năng khiến các nhà phân tích ngạc nhiên. Nhưng bất chấp số lượng giàn khoan đang hoạt động giảm 69% kể từ năm 2014, những tiến bộ công nghệ đã khiến hoạt động sản xuất của Mỹ hiệu quả hơn nhiều.
Các công ty tư nhân đã góp phần vào sự bùng nổ dầu mỏ năm 2023 của Mỹ, với 5 công ty tư nhân hàng đầu chiếm 1/3 mức tăng trưởng sản lượng dầu thô lưu vực Permian trung bình hàng năm kể từ năm 2019.
EIA cho biết, các đối thủ cạnh tranh toàn cầu hiện đang có rất ít cơ hội đạt được những mức kỷ lục tương tự.
Nhìn chung, Mỹ, Nga và Ả Rập Xê Út chiếm 40% sản lượng dầu thô toàn cầu vào năm 2023, nhưng sản lượng của cả Nga và Ả Rập Xê Út đều bị hạn chế vào năm ngoái do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng như các biện pháp hạn chế tự nguyện.
Thay vào đó, sản lượng dầu hàng năm của Nga đạt đỉnh vào năm 2019 ở mức 10,8 triệu thùng/ngày, trong khi Ả Rập Xê Út đạt kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Vào tháng 1/2024, tập đoàn dầu khí Aramco đã tạm dừng kế hoạch mở rộng công suất, trích dẫn vấn đề về chuyển đổi năng lượng xanh.
EIA cho biết: “Để so sánh, ba quốc gia sản xuất dầu lớn nhất tiếp theo – Canada, Iraq và Trung Quốc – cộng lại đã sản xuất 13,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023, chỉ nhiều hơn một chút so với sản lượng được sản xuất tại riêng Mỹ”.
Nhưng liệu Mỹ có thể tiếp tục đánh bại kỷ lục của chính mình hay không vẫn là điều không chắc chắn. Sự thành công của các hoạt động tư nhân năm ngoái đã thúc đẩy một làn sóng sáp nhập, khi các công ty đại chúng chạy đua để tăng chỗ đứng tại lưu vực Permian - trung tâm sản xuất dầu thô của Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết, điều này có thể làm giảm sản lượng của Mỹ khi các công ty đại chúng đưa ra các ưu tiên tài chính khác nhau. Ví dụ, điều này có thể đồng nghĩa với việc giảm số lượng giàn khoan và hoạt động khoan ít hơn.
EIA dự kiến sản lượng sẽ chậm lại đáng kể, với mức đỉnh tháng 12/2023 sẽ bị vượt qua vào tháng 2/2025. Trong năm nay, sản lượng được dự báo sẽ tăng lên 13,21 triệu thùng/ngày.