Italy bị ảnh hưởng bởi ECB tăng lãi suất. (AFP/TTXVN)
Italy là quốc gia Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dễ bị khủng hoảng nợ nhất khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất và mua ít trái phiếu hơn trong những tháng tới.
Theo một cuộc thăm dò của tờ Financial Times, 9/10 nhà kinh tế đã xác định rằng trái phiếu của Italy “có nguy cơ bị bán tháo không tương quan cao nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ.”
Chính phủ liên minh cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni mới lên nắm quyền hồi cuối tháng 10 vừa qua đang cố gắng đi theo con đường tài khóa lành mạnh, với ngân sách mới dự kiến giảm thâm hụt tài chính từ tương đương 5,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2022 xuống 4,5% GDP vào năm 2023 và 3% GDP vào năm tiếp theo.
Nhưng nợ công của Italy vẫn ở mức cao nhất châu Âu, ở mức hơn 145% GDP.
Ông Marco Valli, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng lớn thứ hai Italy UniCredit, cho biết nhu cầu tái cấp vốn nợ của Italy đang cao hơn, trong khi tình hình chính trị có khả năng trở nên phức tạp. Những yếu tố đó khiến trái phiếu nước này dễ bị bán tháo nhất trên thị trường.
Chi phí đi vay của Italy đã tăng mạnh kể từ khi ECB bắt đầu tăng lãi suất vào mùa Hè năm 2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng lên hơn 4,6% vào tuần trước, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với lợi suất tương đương của trái phiếu Đức.
Thủ tướng Meloni đã bày tỏ sự thất vọng trước việc ECB sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định tài chính.
Bà nói trong một cuộc họp báo tuần trước: “Sẽ rất hữu ích nếu ECB xử lý tốt việc liên lạc của mình. Nếu không, ECB có nguy cơ tạo ra những biến động trên thị trường và vô hiệu hóa những nỗ lực mà các chính phủ đang thực hiện.”
Thủ tướng Meloni đã bày tỏ sự thất vọng trước việc ECB sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bà Veronika Roharova, trưởng bộ phận kinh tế Khu vực đồng euro tại ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse, cho rằng chính phủ mới của Italy ít khiến các nhà đầu tư lo lắng vào lúc này. Tuy nhiên, những quan ngại có thể trở lại khi tăng trưởng giảm tốc, lãi suất tiếp tục đi lên và việc phát hành trái phiếu tăng trở lại.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã khẳng định rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong những tháng đầu năm nay. Ông Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, nói rằng ECB chỉ mới bắt đầu “nửa sau” của chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng ECB đang đánh giá quá cao những rủi ro đối với lạm phát - và đánh giá quá thấp triển vọng suy thoái.
Cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng một nửa quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị suy thoái trong năm nay.
4/5 trong số 37 nhà kinh tế được tờ Financial Times thăm dò ý kiến vào tháng 12/2022 dự đoán ECB sẽ ngừng tăng lãi suất trong sáu tháng đầu năm 2023 và 2/3 dự đoán ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm sau do tăng trưởng yếu hơn, với lãi suất tiền gửi của ECB chạm đỉnh ở mức dưới 3%.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát vốn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia.
Tình trạng đó do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cùng việc chấm dứt phong tỏa do đại dịch COVID-19 đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ lên cao.
ECB bắt đầu tăng lãi suất chậm hơn so với nhiều ngân hàng trung ương phương Tây. Nhưng kể từ mùa Hè năm ngoái, ECB đã thắt chặt chính sách với tốc độ chưa từng có, nâng lãi suất tiền gửi từ -0,5% lên 2% trong chỉ sáu tháng.
Ông Jesper Rangvid, Giáo sư ngành tài chính tại Trường Kinh doanh Copenhagen, cho biết ECB đã quá chậm trong việc nhận ra rằng lạm phát không phải là tạm thời mà đang tăng tốc. Tuy nhiên, ông vẫn lo rằng ECB sẽ không thắt chặt chính sách đủ vì những rắc rối từ việc họ tăng lãi suất sẽ gây ra tại Italy.
ECB dự kiến sẽ bắt đầu giảm danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 5.000 tỷ euro khoảng 15 tỷ euro mỗi tháng kể từ tháng 3/2023, bằng cách chỉ thay thế một phần số chứng khoán đáo hạn, gây thêm áp lực lên chi phí vay của Italy.
Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz của Đức, cho biết Khu vực đồng euro có nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu năm 2012 “vì khả năng tài chính giữa các quốc gia là khác nhau nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của ECB.”
Các Bộ trưởng Italy đã chỉ trích ECB về việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ. Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto đã viết trên Twitter rằng các chính sách của ECB “không có ý nghĩa gì,” trong khi Phó Thủ tướng Matteo Salvini cho biết lãi suất cao hơn “sẽ đốt cháy hàng tỷ tiền tiết kiệm của Italy.”
Bà Silvia Ardagna, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại ngân hàng Barclays của Anh, cho biết nợ cao, thâm hụt ngân sách gia tăng và nhu cầu bổ sung các biện pháp hỗ trợ năng lượng của Italy khiến thị trường hết sức lo ngại.
ECB đã tiết lộ một chương trình mua trái phiếu mới, được gọi là Công cụ bảo vệ trong giai đoạn chuyển đổi. Chương trình được thiết kế để giải quyết việc chi phí vay của một quốc gia gia tăng một cách không chính đáng. Tuy nhiên, hơn 2/3 trong số các nhà kinh tế được tờ Financial Times thăm dò ý kiến vào tháng 12/2022 cho biết họ dự đoán ECB sẽ không bao giờ sử dụng chương trình này.
Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết một cuộc suy thoái sâu hơn dự kiến vào năm tới có thể khiến các quốc gia có mức thâm hụt và nợ cao chịu nhiều áp lực hơn. Điều này có thể thúc đẩy ECB tạo ra một lộ trình chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn.