Với lạm phát hiện nay thấp hơn so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, các nhà phân tích kỳ vọng rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi 25 điểm cơ bản vào cuộc họp chính sách tuần tới và tại mỗi cuộc họp khác cho đến tháng 3.
Kỳ vọng này được thúc đẩy bởi dữ liệu chỉ ra nền kinh tế bất ổn hơn và tình trạng lạm phát giảm nhanh hơn ở khu vực đồng euro. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chiến dịch nới lỏng tiền tệ bằng một động thái hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.
"ECB đã đạt được mức độ tự tin cao hơn để đạt được mục tiêu 2% nhanh hơn dự kiến, điều này phù hợp với việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn trong ngắn hạn…Nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn giảm lãi suất xuống dưới 2%, vì vậy họ sẽ phải quản lý kỳ vọng trung hạn để tránh thị trường dự đoán quá nhiều lần cắt giảm", các nhà kinh tế tại AXA Investment Managers cho biết.
“Chủ tịch ECB chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi trong cuộc họp báo về các bước tiếp theo. Bà có thể sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng ECB hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu và đang hoạt động theo từng cuộc họp. Tuy nhiên, khả năng cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12 có vẻ rất cao”, David Powell, chuyên gia kinh tế cấp cao của Bloomberg Economics cho biết.
Trong khi mức tăng giá đã giảm xuống dưới 1,8% vào tháng 9 lần đầu tiên kể từ năm 2021, các quan chức đã cảnh báo rằng lạm phát sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, đặc biệt là khi áp lực trong lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp diễn.
“Với mức lương cao liên tục và thị trường lao động vẫn thắt chặt, cùng với sự không chắc chắn về việc định giá lại các mặt hàng dịch vụ vào năm tới, chúng tôi cho rằng ECB sẽ vẫn thận trọng… Mặc dù chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm trong một vài cuộc họp tiếp theo, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn về lạm phát trong năm tới”, Fabio Balboni, nhà kinh tế của HSBC cho biết.
Dự báo của ECB vào tháng trước cho thấy mục tiêu lạm phát sẽ đạt được vào quý cuối năm 2025. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn chưa chắc chắn lạm phát sẽ đạt được mục tiêu 2%.
Trong khi thị trường lao động đang có dấu hiệu nới lỏng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục. Tiền lương vẫn đang tăng ở mức lành mạnh và người lao động trong khu vực công của Đức đang tìm kiếm mức tăng 8% ngay cả khi nền kinh tế của đất nước này suy thoái trong hai năm liên tiếp.
Bill Diviney, chuyên gia kinh tế cấp cao của khu vực đồng euro tại ABN Amro cho biết: "Thách thức chính của ECB vẫn là đồng thời quản lý các rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế trước áp lực lạm phát tăng liên tục từ mức tăng trưởng tiền lương cao…Nhưng cán cân rủi ro có vẻ đã nghiêng rõ ràng về phía lo ngại về tăng trưởng".