Phát biểu tại hội nghị Hội đồng quản trị toàn cầu của Financial Times vào thứ Sáu (10/11), Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, lạm phát khu vực đồng euro sẽ giảm xuống mục tiêu 2% nếu lãi suất được giữ ở mức hiện tại “đủ lâu”.
“Nhưng điều này không có nghĩa là trong vài quý tới chúng ta sẽ thấy sự thay đổi. Đủ lâu nhưng phải đủ dài”, bà cho biết.
ECB đã giữ nguyên lãi suất tiền gửi trong cuộc họp chính sách tháng 10, chấm dứt chuỗi 10 đợt tăng liên tiếp đưa lãi suất này từ mức thấp kỷ lục -0,5% trong năm ngoái lên mức cao nhất kỷ lục là 4% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, các thị trường hiện đang định giá xác suất 75% ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 4, tăng từ xác suất 30% vào đầu tháng 10.
Bà Lagarde cho biết, lạm phát khu vực đồng euro vẫn có thể phục hồi từ mức thấp nhất trong hai năm gần đây, đặc biệt nếu có một cú sốc nguồn cung khác từ ngành năng lượng.
Lạm phát toàn phần tại khu vực đồng euro đã giảm xuống 2,9% trong tháng 10, giảm mạnh so với mức đỉnh 10,6% vào một năm trước đó. Nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 4,2% - cao hơn gấp đôi mục tiêu của ngân hàng trung ương.
“Chúng ta không nên cho rằng lạm phát toàn phần 2,9% này có thể được xem là điều hiển nhiên. Ngay cả khi giá năng lượng vẫn giữ nguyên ở mức hiện tại thì sẽ có sự gia tăng trở lại với số lượng cao hơn trong tương lai và chúng ta nên mong đợi điều đó”, bà Lagarde cho biết.
Sau khi bị chỉ trích vì chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, bà Lagarde đã giám sát đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử của ECB.
Hiện bà đang cố gắng thực hiện một hành động cân bằng tế nhị: giữ chi phí đi vay ở mức cao đủ lâu để đảm bảo rằng áp lực giá cả đã được kiểm soát mà không gây ra một cuộc suy thoái bất ổn hoặc một cuộc khủng hoảng nợ mới trong khu vực.
Nền kinh tế khu vực đồng euro đã chững lại trong năm nay, với tăng trưởng GDP đã giảm 0,1% trong quý III sau khi chỉ tăng 0,2% trong quý II. Một số nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP có thể tiếp tục giảm trong quý IV.
“Chúng ta đang trong cuộc chạy đua hấp dẫn với thời gian, là nơi việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của chúng ta phải bền vững và tinh tế cùng một lúc”, bà Lagarde cho biết.
Khi nhận xét về tính bền vững tài chính của một số thành viên khu vực đồng euro có tỷ lệ nợ cao, chẳng hạn như Ý với mức nợ đã tăng trên 140% GDP, bà Lagarde cho biết: “Nhiều quốc gia đã tận dụng lãi suất rất thấp để kéo dài thời hạn trả nợ… chi phí trả nợ trung bình của các nước thuộc khu vực đồng euro chỉ là 1,7%”.
“Nhưng thực tế là sẽ có những khoản tái cấp vốn sắp xảy ra khi các khoản vay đáo hạn xuất hiện và chi phí tài chính sẽ tăng lên”, bà cho biết.