Trên thực tế, ECB không còn lựa chọn nào khác. Nếu tiếp tục tăng ELA cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp, ECB sẽ vi phạm quy định của thể chế tài chính này về việc chỉ cung cấp thanh khoản cho ngân hàng tại các quốc gia nhất trí với chương trình cải cách. Bên cạnh đó, việc nâng mức ELA sẽ gia tăng rủi ro đối với chính ECB, trong trường hợp Hy Lạp phải rút ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) và gây thiệt hại khổng lồ cho những người đóng thuế châu Âu.
Nếu không có thêm thanh khoản bổ sung, các ngân hàng Hy Lạp sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngày càng gia tăng từ người dân trong nước, trước mối lo ngại các khoản tiền tiết kiệm của họ sẽ mất giá nghiêm trọng một khi quy đổi sang đồng tiền mới. Hy Lạp đã tiến hành đóng cửa các ngân hàng ngay từ ngày đầu tuần (29/6) và dự kiến kéo dài cho tới hết tuần này.
Mấy ngày tới sẽ là thời khắc cực kỳ quan trọng đối với người dân Hy Lạp khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 5/7. ECB và các chủ nợ quốc tế có thể trở thành đối tượng bị đổ lỗi vì đã đẩy Hy Lạp rơi vào tình cảnh buộc phải lựa chọn giữa “Có” hay “Không”. Tuy nhiên, dù lựa chọn của người dân Hy Lạp có như thế nào đi nữa, ECB vẫn sẽ tìm mọi cách để bảo vệ đồng euro.
ECB đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các thị trường tài chính toàn cầu rằng, ngân hàng này sẽ sử dụng mọi công cụ cần thiết, như chương trình nới lỏng định lượng (QE), để duy trì mức độ tín nhiệm của thể chế tài chính này cũng như đồng euro. Kinh nghiệm năm 2011 cho thấy, thời điểm khủng hoảng nợ Hy Lạp lần đầu đe dọa lây lan khắp châu Âu, sự bất ổn tài chính có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tình hình giá cả trong trung hạn. Vì vậy, ECB sẵn sàng làm mọi cách có thể để bảo vệ sự thống nhất của liên minh tiền tệ này, ngay cả khi một thành viên phải rời khỏi nhóm.
Bên cạnh đó, mới đây, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã đưa ra lời cam kết trong việc thực thi các giải pháp cần thiết để củng cố sự ổn định của các nền kinh tế trong nhóm, đồng thời sẵn sàng đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt để gia tăng sức mạnh cho Eurozone.
Thủ tướng Alexis Tsipras đã tuyên bố: “Làm sao các chủ nợ quốc tế có thể chờ chúng tôi trả nợ cho IMF khi hệ thống ngân hàng Hy Lạp đã bị bóp nghẹt”, nếu đúng như vậy, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng phá sản khi không thể trả nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong bối cảnh đó, Athens sẽ ngay lập tức bị cắt đứt khả năng tiếp cận các cơ sở và dịch vụ của IMF, trong đó có khoản giải ngân của IMF thuộc chương trình cứu trợ dành cho Athens hiện nay.
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã vay khoảng 32 tỷ euro từ các nhà cho vay trên thế giới và một phần trong số đó được hoàn trả lại. Hy Lạp cũng cam kết trả lại 5,4 tỷ euro cho IMF trong năm nay. Để tài trợ cho ngân sách đang sụt giảm và đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ của mình, Athens phải dựa vào khoản tiền cứu trợ 7,2 tỷ euro còn lại từ IMF và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là Hy Lạp phải thực thi các cải cách trong nước, nhưng đó là điều mà Athens và các chủ nợ không thể đạt được tiếng nói chung.
30 ngày sau khi Hy Lạp không thanh toán nợ đúng hạn, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde sẽ phải thông báo chính thức tới Ban giám đốc IMF, cơ quan đại diện cho 188 quốc gia thành viên của thể chế tài chính này. Theo phát ngôn viên của IMF, trước tình hình khẩn cấp như Hy Lạp, quy trình này có thể được đẩy nhanh hơn nhiều.
Bà Lagarde có thể gửi khiếu nại chính thức lên Ban điều hành IMF để đưa ra những cân nhắc. Nếu Ban điều hành thông qua, Hy Lạp sẽ tiếp tục bị tước đi quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ IMF. Ban giám đốc IMF có thể tuyên bố không hợp tác với Hy Lạp nữa, “cắt đứt” quyền bỏ phiếu của Hy Lạp và cách ly Athens khỏi IMF.
Trong trường hợp xấu nhất, về lý thuyết, Hy Lạp cũng có thể bị “khai trừ” tư cách thành viên khỏi IMF, như kịch bản từng xảy ra giai đoạn thập niên 1950 của thế kỷ trước với Czech & Slovakia trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra cần có sự đồng thuận của đa số thành viên IMF. Czech & Slovakia có lẽ vẫn chỉ là ngoại lệ duy nhất.