ECB nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất tiền gửi lên 3,75% do các chỉ số kinh tế cho thấy nền kinh tế tại nhiều quốc gia đang chậm lại và nhu cầu vay vốn giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Mark Wall, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất như những gì đã được dự đoán, lên mức 3,75%”.
ECB đã tăng lãi suất thêm 400 điểm cơ bản kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, đây là chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất của ngân hàng trung ương này khi lạm phát tăng vọt lên mức cao kỷ lục ở khu vực châu Âu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine gây ra.
Việc tăng lãi suất mạnh mẽ này có thể tác động nghiêm trọng đến sự tăng trưởng tín dụng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), do đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Theo dữ liệu ECB mới công bố thì “nhu cầu vay vốn của các công ty đã giảm mạnh trong quý II/2023, xuống mức thấp nhất mọi thời đại" kể từ khi ECB bắt đầu cuộc khảo sát về nhu cầu vay vốn vào năm 2003.
Các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho nền kinh tế ở khu vực Eurozone. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết vào đầu tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đã có hiệu lực, đặc biệt là thông qua tín dụng ngân hàng .
Dữ liệu mới đây cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực Eurozone đã giảm nhiều hơn so với dự kiến trong tháng 7. Với sản lượng của các nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu của ngành dịch vụ trong khối Eurozone sụt giảm khi người tiêu dùng phải vật lộn với lạm phát cao. Chỉ Số Môi Trường Kinh Doanh Ifo (Ifo Business Climate Index) của Đức, chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại ở Đức, gần đây cũng giảm nhiều hơn dự kiến.
Theo Eurostat, lạm phát toàn phần tại khu vực châu Âu đã giảm hơn dự kiến xuống 5,5% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ đầu năm ngoái. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng lõi, loại bỏ các yếu tố biến động như thực phẩm và năng lượng, đã tăng 5,5% so với một năm trước đó, tăng nhẹ so với mức 5,3% trong tháng 5.
“Có sự khác biệt lớn giữa các nước khu vực Eurozone về lạm phát. Ở một số quốc gia, lạm phát đã giảm trở lại dưới mức mục tiêu 2%, trong khi đó ở khu vực Baltic, lạm phát lại ở mức cao, chỉ dưới 10% một chút” Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn KfW cho biết.
ECB đang muốn thuyết phục thị trường rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài bất chấp nền kinh tế đang hạ nhiệt mạnh. Ông Mark Wall của Deutsche Bank kết luận: “Lạm phát vẫn còn cao và chính ECB cũng không thể chắc chắn rằng lãi suất đã đạt đỉnh”.