Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB

Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB

ECB đã sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng sẽ cắt giảm lãi suất từ mức cao lịch sử trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

ECB hiện gần như chắc chắn là một trong những ngân hàng trung ương lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất, sau khi là một trong những ngân hàng trung ương cuối cùng tăng lãi suất sau đợt lạm phát lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB cho biết: “Trừ những bất ngờ lớn, tại thời điểm này, những gì chúng tôi thấy là đủ để loại bỏ mức hạn chế cao nhất”.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng ECB sẽ hạ lãi suất xuống 25 điểm cơ bản từ mức cao kỷ lục 4% tại cuộc họp tuần tới sau khi lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm xuống gần với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, Thụy Điển, Séc và Hungary đã giảm lãi suất trong năm nay để đối phó với tình trạng lạm phát giảm. Nhưng trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ không cắt giảm lãi suất trước mùa hè này và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Nhà kinh tế trưởng của ECB cho biết, lý do chính khiến lạm phát ở khu vực đồng euro giảm nhanh hơn ở Mỹ là do khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cú sốc năng lượng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

“Nhưng xét về bước đầu tiên bắt đầu cắt giảm lãi suất thì đó là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng trong việc đảm bảo lạm phát giảm xuống kịp thời. Theo nghĩa đó, tôi nghĩ chúng tôi đã thành công”, ông nói.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB cần giữ lãi suất trong phạm vi hạn chế trong năm nay để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm và không bị kẹt trên mức mục tiêu của ngân hàng, điều mà ông cảnh báo “sẽ rất rắc rối và có thể khá khó khăn để loại bỏ”.

Bên cạnh đó, ông cho biết tốc độ mà ngân hàng trung ương giảm chi phí đi vay trong năm nay sẽ được quyết định bằng cách đánh giá dữ liệu để quyết định “có tỷ lệ thuận, có an toàn trong vùng hạn chế để giảm xuống hay không”.

“Mọi thứ sẽ gập ghềnh và diễn ra từ từ… Cách tốt nhất để định hình cuộc tranh luận năm nay là chúng ta vẫn cần phải hạn chế suốt cả năm. Nhưng trong vùng hạn chế, chúng tôi có thể di chuyển xuống phần nào”, ông Philip Lane cho biết.

Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng nếu ECB tách khỏi Fed bằng cách cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn, điều đó có thể khiến đồng euro mất giá và đẩy lạm phát lên cao bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu vào khối.

Nhà kinh tế trưởng của ECB cho biết, ECB sẽ tính đến bất kỳ động thái tỷ giá hối đoái “đáng kể” nào, nhưng “có rất ít chuyển động” theo hướng này. Đồng euro đã phục hồi 1/5 so với đồng đô la Mỹ từ mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 4 vừa qua và vẫn đang có xu hướng phục hồi.

Thay vào đó, sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của Fed đã đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và điều này đã nâng lợi suất dài hạn của trái phiếu châu Âu.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ mức trên 10% vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2022 xuống mức thấp gần ba năm là 2,4% trong tháng 4, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 2,5% khi dữ liệu tháng 5 được công bố trong tuần này.

“Năm tới, với lạm phát rõ ràng đang tiến gần đến mục tiêu, thì việc đảm bảo lãi suất giảm xuống mức phù hợp với mục tiêu đó - đó sẽ là một cuộc tranh luận khác”, ông Philip Lane cho biết.

Việc ECB cắt giảm lãi suất đến mức nào sẽ phụ thuộc vào đánh giá về lãi suất trung lập - điểm mà tại đó tiết kiệm và đầu tư được cân bằng ở mức mong muốn, sản lượng ở mức tiềm năng của nền kinh tế và lạm phát ở mức mục tiêu.

Các ước tính về lãi suất trung lập là khác nhau nhưng có khả năng hàm ý rằng lãi suất chính sách ở mức hoặc chỉ trên 2%, mặc dù tỷ lệ này có thể cao hơn nếu “một quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ” sang năng lượng tái tạo hoặc lợi ích to lớn từ trí tuệ nhân tạo tạo ra đã thúc đẩy sự gia tăng trong đầu tư.

Tin bài liên quan