Thông báo này khiến các thành viên thị trường tập trung sự chú ý hoàn toàn vào Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi nhằm tìm kiếm thêm các gợi ý về việc liệu châu Âu có tiếp tục được đón nhận thêm các gói nới lỏng tiền tệ. 25 thành viên của Hội đồng Thống đốc ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,05% trong phiên họp diễn ra ngày 22/10 vừa qua. Lãi suất tiền gửi cũng được duy trì ở mức 0,2%.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB tỏ ra dè dặt với bối cảnh nền kinh tế khá phức tạp hiện tại, khi nền kinh tế nội địa của các nước thành viên có những dấu hiệu tăng trưởng ngược chiều, viễn cảnh kinh tế toàn cầu không lấy làm sáng sủa và những bất đồng ý kiến trong mục tiêu lạm phát.
Trong phiên họp vừa qua tại Malta, ông Draghi và phần lớn những người cộng sự cho rằng, vẫn còn sớm để quyết định xem liệu có nên mở rộng thêm gói nới lỏng định lượng trị giá 1,1 nghìn tỷ euro (1,2 nghìn tỷ USD) hiện tại, được bắt đầu triển khai vào tháng 3/2015 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2016, tuy nhiên có thể dừng lại nếu đã đạt được hiệu quả.
Ông Draghi cho biết, ECB sẽ xem xét lại hiệu quả của gói nới lỏng định lượng trong tháng 9/2015 và chương trình này có thể tiếp tục được mở rộng thêm nếu cần thiết. ECB cũng sẽ thảo luận về việc hạ thêm lãi suất cho vay, theo phát biểu của ông Draghi. Thông điệp này được các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư cho rằng, đây là tín hiệu của việc Chủ tịch ECB sẽ tiếp tục hành động mạnh tay hơn nữa.
“Draghi cần phải thuyết phục được thị trường rằng ECB có đủ khả năng để làm nhiều hơn nữa nếu những biện pháp hiện tại, bao gồm giảm lãi suất, các gói cho vay ưu đãi…, khiến tình hình không tốt hơn, mà thậm chí còn xấu đi”, Richard Barwell, nhà kinh tế học tại BNP Paribas Investment Partners tại London cho biết.
Theo Guillermo Hernandez Sampere, Giám đốc giao dịch tại MPPMEK (Đức), đây chính là thông tin mà thị trường mong đợi. “Cần mất một vài ngày để tất cả các thị trường có phản ứng trước thông điệp của ECB, tuy nhiên, phản ứng ban đầu là rất tích cực. Nó có thể “bóp cò” cho đà tăng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán”, Guillermo nói.
Theo đó, chứng khoán châu Âu và châu Á đều có phiên cuối tuần tăng điểm, nhờ dấu hiệu có thêm gói nới lỏng tiền tệ từ ECB và số liệu lợi nhuận tốt hơn dự báo của một số công ty Mỹ.
Tại buổi họp báo sau phiên họp, ông Draghi đã phải đối diện với những câu hỏi về hiệu quả của những nỗ lực hồi phục kinh tế và kích thích giá cả gia tăng của ECB. Đã 9 tháng kể từ ngày ECB công bố gói nới lỏng định lượng, tác động của nó tới lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu dường như bằng không.
Tỷ lệ lạm phát đã rơi xuống dưới mức 0% trong tháng 9/2015, lần đầu tiên kể từ khi gói nới lỏng được đưa vào thực tế kể từ tháng 3. Thêm vào đó, trong tháng trước, Chủ tịch ECB cho rằng tác động của giá dầu thấp lên giá tiêu dùng chỉ là tạm thời, tuy nhiên, mối lo ngại về giá cả tụt giảm vẫn chưa hề giảm đi.
Một vấn đề khác mà các nhà chính sách của ECB không thể làm ngơ chính là thời gian mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Draghi và các đồng sự thường xuyên phát biểu rằng, ECB và Fed đi hai con đường khác biệt.
Liệu việc Fed trì hoãn nâng lãi suất bởi mối lo ngại về việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm có tạo thêm áp lực lên việc nới lỏng tiền tệ của ECB? Đặc biệt, trong thời gian gần đây, niềm tin về việc Fed nâng lãi suất vào ngày 16/12 tới đã quay trở lại, khi các số liệu kinh tế Mỹ mới được công bố đều rất khả quan.
Một yếu tố nữa mà thị trường quan tâm là chiến lược kinh tế mới của ECB. Tháng trước, các quan chức ECB dự báo rằng nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng trung bình vào khoảng 1,8% trong năm 2017, từ mức 1,4% được dự báo trong năm nay.
Theo đó, lạm phát chỉ bắt đầu chạm đến hoặc gần dưới ngưỡng mục tiêu 2% vào cuối năm 2017. ECB sẽ cập nhật các chiến lược kinh tế và dự báo tăng trưởng mới trong tháng 12. Bất kỳ một sự xem xét giảm xuống nào cũng sẽ là bằng chứng cho việc ECB tiếp tục mở rộng thêm gói nới lỏng hiện tại.