Ebook - hy vọng mới cho ngành xuất bản

0:00 / 0:00
0:00
Xuất bản ebook (sách điện tử) đang là niềm hy vọng cho ngành xuất bản trong bối cảnh sách truyền thống suy giảm trầm trọng.
Xuất bản ebook đang là niềm hy vọng cho ngành xuất bản

Xuất bản ebook đang là niềm hy vọng cho ngành xuất bản

Bán sách trực tuyến tăng trưởng, ebook chưa khởi sắc

Tại Hội Sách trực tuyến quốc gia năm 2021 (tháng 4 - 5/2021), lần đầu tiên, Ban Tổ chức tiến hành thử nghiệm không gian sách ebook và sàn giao dịch bản quyền, để kết nối các đơn vị phát hành trực tuyến trong nước với bạn đọc, tạo ra không gian giao lưu xuyên biên giới giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước. Đây được xem như là nhiệt kế để đo độ nóng của ebook với thị trường trong bối cảnh xuất bản sách truyền thống giảm mạnh.

Hơn 1 năm Covid-19 hoành hành, ngành sách đang lao đao, lâm vào tình trạng khó khăn. Các đơn vị phát hành sách hàng đầu Việt Nam như Thái Hà Books, Fahasa, Đinh Tị, Nhã Nam, Đông A, Alpha, Phương Nam... đều gặp khó, khi doanh số sụt giảm 30 - 50%.

Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc kế hoạch, bản quyền của Công ty Nhã Nam, các hiệu sách của Nhã Nam đã giảm 30-40% doanh số so với trước đây.

Trong khi đó, bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty Phương Nam cho biết, ngoài sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, thì việc khan hiếm các nguyên vật liệu trọng yếu như giấy dẫn đến giá hàng hóa tăng mạnh, gây khó khăn cho ngành sách.

Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2020, ngành xuất bản chịu tác động rất mạnh của Covid-19, nhưng vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách (bằng 92% so với năm 2019), đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019).

Ngay cả ebook - được cho là cứu cánh của ngành xuất bản - cũng sụt giảm. Năm 2020, có 9 nhà xuất bản tham gia xuất bản ebook (chiếm 15% tổng số nhà xuất bản), xuất bản được hơn 2.000 đầu sách, giảm gần 400 đầu sách so với năm 2019.

Trong khi ngành xuất bản sách ebook chưa khởi sắc, thì từ đầu năm 2021 đến nay, bán sách trực tuyến đã tăng trở lại. Tại Công ty Phương Nam, lượng sách bán qua hệ thống nhà sách giảm, nhưng bán sách trực tuyến trên kênh thương mại điện tử tăng tới 200 - 300% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tại Tiki, quý I/2021, ngành sách của Tiki tăng trưởng gấp đôi so với quý IV/2020. Chỉ riêng trong một tháng diễn ra Hội Sách trực tuyến năm 2021 đã cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới tay bạn đọc.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống, do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Ebook sẽ là xu hướng của tương lai

Xác định ebook sẽ là xu hướng không thể thay đổi trong tương lai, Cục Xuất bản, In và Phát hành đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xuất bản điện tử đạt 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; doanh thu xuất bản điện tử đạt 8 - 10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ đồng); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản sản phẩm điện tử.

Nhưng xuất bản ebook vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, dù thời điểm này rất thuận lợi cho ebook bùng nổ. Từ nhiều năm nay, các xuất bản phẩm điện tử lậu, không bản quyền, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như danh tiếng của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách chân chính.

Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết, dù có kinh nghiệm gần 10 năm phát triển ebook, từng xuất bản 3.000 ấn phẩm ebook, nhưng hiện phương thức này vẫn đang rất khó khăn. Cụ thể, có 3 thách thức mà bất kỳ ai muốn phát triển ebook cũng phải đối mặt giải quyết, đó là nạn vi phạm bản quyền, sự chênh lệch về sử dụng công nghệ ở các vùng sâu vùng xa và bài toán kinh doanh sao cho sách điện tử tự sống được.

Còn theo ông Nguyên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp hoặc nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử.

“Sách điện tử lậu, không bản quyền đang được ‘phá giá’ hoặc bị các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước, đã và đang không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho tác giả và nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách điện tử, mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành”, ông Nguyên nói.

Để đạt được những mục tiêu như trên, ông Nguyên khẳng định, hướng đi của ngành trong năm 2021 là nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; tăng cường năng lực xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản; phát triển phần mềm hỗ trợ công tác biên tập, xuất bản, sàn thương mại điện tử; kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và các đơn vị xuất bản để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Hội Sách trực tuyến quốc gia năm 2021

Khoảng 100 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham dự, tăng 20 đơn vị so với năm 2020.

Bán được hơn 40.000 cuốn sách, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Doanh số giá bìa đạt 4,5 tỷ đồng; doanh số theo giá bán (đã trừ giảm giá của các đơn vị) đạt 3,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020.

Hơn 5,9 triệu lượt độc giả truy cập hội sách, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Tin bài liên quan