Lộc Trời vừa công bố Báo cáo kiểm toán năm 2023 với nhiều điểm đáng lưu ý.
Kết thúc năm 2023, Lộc Trời ghi nhận tổng doanh thu tăng 38%, lên 16.088 tỷ đồng, đây là mức doanh thu cao nhất mà Công ty ghi nhận từ khi hoạt động.
Cơ cấu doanh thu năm 2023 của Lộc Trời |
Trong đó, xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu lĩnh vực lương thực – lúa, gạo tăng 74,7% so với cùng kỳ, lên 11.226 tỷ đồng và chiếm 70% tổng doanh thu; doanh thu lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật giảm nhẹ 9,5% so với cùng kỳ, về 3.825 tỷ đồng và chiếm 24% tổng doanh thu; doanh thu hạt giống 6,53%, lên 685 tỷ đồng và chiếm 4% tổng doanh thu; và doanh thu lĩnh vực khác ghi nhận 352 tỷ đồng, chiếm 2% tổng doanh thu.
Lộc Trời cho biết doanh thu tăng trưởng mạnh trong năm 2023 là minh chứng cho quyết tâm của Công ty đặt kế hoạch doanh thu khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2025 (khoảng 25.000 tỷ đồng). Trong đó, để đạt được mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, Công ty không ngừng mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình rải vụ theo quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ …
Ngoài ra, nếu xét lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA), năm 2023, EBITDA tăng nhẹ hơn 1,1%, từ 1.083 tỷ đồng, lên 1.095 tỷ đồng và duy trì trên 1.000 tỷ đồng trong nhiều năm.
Lý giải việc doanh thu tăng cao nhưng EBITDA chỉ tăng nhẹ, Lộc Trời cho biết: “Do trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm với xu hướng tăng mạnh ngành lương thực để làm nền tảng cho cho các ngành khác trong chuỗi dịch vụ nông sản. Ngoài ra, Lộc Trời còn giữ vững cam kết mua lúa với giá thị trường cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất đồng thời vẫn giữ đúng hẹn giao hàng cho đối tác. Đổi lại, biên lợi nhuận và EBITDA không tăng cùng tốc độ với doanh thu như dự kiến”.
Xét về biến động chi phí, trong năm 2023, chi phí bán hàng tăng 10%, lên 978 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 61%, lên 641 tỷ đồng … Trong đó, chi phí bán hàng tăng chủ yếu đến từ việc kinh doanh lương thực, việc doanh thu ngành tăng cao đã kéo theo chi phí xuất khẩu tăng cao, đồng thời chi phí quảng cáo và khuyến mãi cũng tăng cao.
Thêm nữa, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do ghi nhận các khoản dự phòng phải thu nợ khó đòi 195 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản phải thu này đang được làm việc với khách hàng và thu được dần trong năm 2024. Vì vậy, Lộc Trời kỳ vọng sẽ xem xét đánh giá lại để hoàn nhập dự phòng trong năm 2024.
Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời tăng 31% so với đầu năm, lên 11.468 tỷ đồng. Trong đó, tài sản biến động chủ yếu phải thu ngắn hạn tăng 182% so với đầu năm, lên 6.517 tỷ đồng; tồn kho giảm 7% so với đầu năm, về 1.969 tỷ đồng; tài sản dài hạn giảm 14% so với đầu năm, về 2.122 tỷ đồng.
Thuyết minh phải thu ngắn hạn tăng mạnh trong năm 2023, Lộc Trời cho biết với các khoản phải thu thương mại do phần lớn đến từ ngành thuốc, tập đoàn đang tự phát triển các dòng sản phẩm mới từ khi dịch chuyển mạnh từ phân phối sang tự sản xuất và cung ứng, chủ động R&D để đưa các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thay đổi của thị trường. Lộc Trời đang “tái thiết” ngành vật tư nông nghiệp, xây dựng và phát triển bộ giải pháp canh tác, bộ sản phẩm hài hòa 3 yếu tố sinh học – hữu cơ – hóa học, tăng cường độ bao phủ sản phẩm và củng cố hệ thống phân phối nên gia tăng hỗ trợ công nợ cho các đại lý nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, với các khoản phải thu của các bên liên quan do đến từ phải thu Lộc Nhân (đơn vị thành viên của Lộc Trời) với hơn 1.400 tỷ. Lộc Nhân là một mảnh ghép quan trọng trong quá trình phát triển của Lộc Trời. Sự xuất hiện của Lộc Nhân giúp Lộc Trời có thể rút ngắn ít nhất 5 năm trong lộ trình trở thành công ty lúa gạo hàng đầu trong khu vực. Năm 2023, Lộc trời chia sẻ nguồn lực để “tái thiết” Lộc Nhân, giúp Lộc Nhân quản trị hoạt động có hệ thống và chuyên nghiệp. Việc cấu trúc lại Lộc Nhân để “hòa nhịp” với hoạt động sản xuất kinh doanh của Lộc Trời sẽ cần thêm thời gian và nguồn lực nhưng chắc chắn, sự kết hợp này sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tập đoàn trong nhiều năm tới.
Ưu tiên cải thiện dòng tiền trong giai đoạn 2024 - 2025
Về định hướng kinh doanh trong năm 2024 – 2025, Lộc Trời đưa ra giải pháp đồng bộ từ dòng tiền tới kinh doanh.
Đầu tiên, nhằm mục đích cải thiện dòng tiền, Công ty dự kiến rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng cường doanh số ngành giống.
Thứ hai, đối với quản lý nợ và cấu trúc vốn, Lộc Trời sẽ cân đối cán cân tài chính để đảm bảo sự hài hoà giữa nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; cải thiện tỷ lệ vốn chủ sở hữu bằng cách tăng vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu; và tái cấu trúc toàn diện Lộc Nhân (đơn vị thành viên) bao gồm việc xây dựng cơ cấu tài chính phù hợp và tích hợp được vào với Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả hoạt động thông cải thiện biên lợi nhuận ngành lương thực thông qua việc kiểm soát chi phí và nâng cao giá trị tăng sản phẩm; quản lý chặt chẽ hàng tồn kho.
Thứ tư, quản lý tài sản khi khai thác và tối ưu hiệu quả sử dụng tài sản; và tái cấu trúc danh mục tài sản hiện tại.
Và cuối cùng, Công ty sẽ huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng dự án nhà máy gạo công suất 10 nghìn tấn/ngày tại Long An, mục tiêu đến năm 2028 sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15 nghìn tấn/ngày; đầu tư khai thác phụ phẩm lúa gạo, đặc biệt là rơm và trấu để thay thế cho năng lượng hoá thạch; và đầu tư vào quy trình canh tác giảm phát thải để tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hoá trên thị trường quốc tế.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/4, cổ phiếu LTG giảm nhẹ 500 đồng, về 26.300 đồng/cổ phiếu.