EAC và hải quan đưa nhau ra tòa

EAC và hải quan đưa nhau ra tòa

Công ty cổ phần Ô tô Âu châu (EAC), đơn vị nhập khẩu và phân phối xe BMW tại Việt Nam, bị Hải quan TP.HCM truy thu thuế gần 83 tỷ đồng. Bất phục, EAC đã đưa vụ việc ra tòa án.

Vụ việc được bắt đầu từ ngày 29/6/2012, khi Đoàn Kiểm tra sau thông quan của Cục Hải quan TP.HCM tiến hành kiểm tra sau thông quan tại trụ sở EAC và phát hiện những dấu hiệu cho thấy, công ty này đã “quên” khai báo nhiều khoản chi phí vào trị giá tính thuế.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, các lô hàng nhập khẩu ô tô hiệu BMW, mới 100%, của EAC được thông quan theo phương pháp xác định giá trị giao dịch là giá mua ghi trên hóa đơn, đã bao gồm cước phí vận tải (C&F); đồng thời, EAC cũng cam kết không trả khoản tiền nào khác cho người bán, ngoài số tiền ghi trên hóa đơn. Tuy nhiên, trên thực tế, EAC, thông qua Ngân hàng HSBC, còn thanh toán hàng triệu USD… “phí tư vấn” cho Công ty Asia Auto Finalce Ltd (AAF, Hồng Kông), đơn vị trung gian trong việc mua bán xe giữa EAC và BMW.

Theo Hợp đồng Tư vấn và Dịch vụ giữa EAC và AAF, hàng tháng, EAC phải trả cho AAF 25.000 USD và hàng quý phải trả cho đơn vị này một khoản tiền tương đương tổng doanh số bán xe của quý dương lịch trước nhân với 3% doanh số bán xe. Và từ ngày 1/1/2010 đến 29/6/2012, EAC đã thanh toán cho AAF 750.000 USD phí hàng tháng và 1.395.766 USD phí hàng quý. Các khoản phí này được Cục Hải quan TP.HCM xác định là phù hợp với các quy định về “khoản phải cộng” khi tính thuế.

Cục Hải quan TP.HCM cũng phát hiện, EAC đã “quên” khai báo chi phí vận tải, bốc hàng, dỡ hàng…, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp trên 328 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiền bản quyền, phí giấy phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ, đã được đề cập tại Hợp đồng Tư vấn, nhưng Cục Hải quan TP.HCM chưa đủ nhân lực và thời gian để xác minh, làm rõ.

Tương tự, khoản phí bảo hiểm để vận chuyển hàng nhập khẩu (tại Công ty Môi giới bảo hiểm AON Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Chartis Việt Nam) cũng không được EAC khai báo, chưa tính vào trị giá tính thuế tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Tất cả những hành vi trên đã dẫn đến số thuế phải nộp của EAC thiếu trên 82,9 tỷ đồng và Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định ấn định truy thu số tiền thuế này.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong quá trình kiểm tra sau thông quan, EAC đã cố ý sử dụng hai bản hợp đồng tư vấn có nội dung và hình thức khác nhau, một bản xuất trình cơ quan hải quan khi được kiểm tra, một bản sử dụng cho các giao dịch thực tế phát sinh tại HSBC, nhằm che giấu, hợp thức hóa việc không khai báo các khoản chi phí thuộc trị giá tính thuế hàng nhập khẩu.

“Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã nhận được các văn bản giải trình của Công ty, nhưng Công ty giải trình không nhất quán, thiếu thuyết phục với những ‘nhầm lẫn’ và ‘sơ suất’ mang tính hệ thống, không khách quan và chưa trung thực”, văn bản của Chi cục Kiểm tra sau thông quan TP.HCM gửi Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan khẳng định.

Cục Hải quan TP.HCM đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát, sau đó chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra. Tuy nhiên, bất phục quyết định của Cục Hải quan TP.HCM, EAC đã đưa vụ việc ra Tòa Hành chính và ngày 19/11/2012, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đó là tạm đình chỉ thi hành quyết định ấn định thuế của Cục Hải quan TP.HCM. Tại phiên sơ thẩm đầu năm 2013, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã chấp thuận nội dung khởi kiện của EAC. Còn Cục Hải quan TP.HCM đang tiến hành các thủ tục kháng cáo theo quy định.

Hiện tại, EAC chưa có bình luận nào đối với vụ việc này, vì vụ kiện vẫn đang được tiếp tục. Theo đại diện của EAC, họ sẽ đưa ra ý kiến của mình khi vụ kiện kết thúc.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm tra sau thông quan TP.HCM đã đề nghị Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan hỗ trợ, nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc truy thu thuế cho ngân sách.