Quốc lộ 19 mới sẽ giúp Tây Nguyên rút ngắn khoảng cách tới hệ thống cảng biển của Vùng Duyên hải Ảnh: Nguyễn Dũng
Câu chuyện về hạ tầng kết nối
Kết nối giao thông là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực phát triển Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Đây là điều kiện tiên quyết trong chiến lược phát triển của khu vực.
Tại khu vực “khúc ruột miền Trung”, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng lớn tới liên kết vùng.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, kinh tế các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sẽ vươn lên mạnh mẽ khi hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng. Nhưng hiện nay các địa phương trong vùng chưa phát huy tốt vai trò của cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa khu vực…
Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay ở Tây Nguyên đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tây Nguyên chỉ có duy nhất Quốc lộ 14 kết nối hầu hết các tỉnh trong khu vực với một số địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung, nhưng tuyến đường này đã quá tải.
Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk vừa nhỏ hẹp lại thường xuyên hư hỏng, phương tiện đi lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
Quốc lộ 19 nối Gia Lai với Bình Định xây dựng đã lâu, lại nhiều đèo dốc. Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk có quy mô hiện trạng là đường cấp IV miền núi thì đang xuống cấp…
Do đó, ở tầm trung và dài hạn, vấn đề đẩy mạnh đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với các khu vực lân cận, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang được đặt ra hết sức cấp thiết.
Trong tầm trung và dài hạn đẩy mạnh đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với các khu vực lân cận, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang được đặt ra hết sức cấp thiết.
Thực hiện chiến lược kết nối để phát triển với Tây Nguyên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên qua các thời kỳ đã triển khai xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch. Đơn cử, tuyến Quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Phú Yên, mà còn của nhiều địa phương lân cận.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Xây dựng tuyến cao tốc dài 220 km kết nối cảng biển Vũng Rô, Cảng hàng không Tuy Hòa, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (tỉnh Đắk Lắk).
“Đây là tuyến giao thông quan trọng đi qua một vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong Tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ Việt Nam. Một tuyến đường quan trọng khác đang được đầu tư, nâng cấp là tuyến Quốc lộ 25 nối từ Quốc lộ 1A đi qua các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên đến thị trấn Chư Sê của tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Tây Nguyên xuống các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ ra các cảng biển”, ông Lê Tấn Hổ nói.
Với vai trò là thủ phủ của Tây Nguyên, Đắk Lắk cũng tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh trong vùng và duyên hải miền Trung. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiều tuyến đường cao tốc như Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; Buôn Ma Thuột - Liên Khương và Buôn Ma Thuột - Phú Yên; đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hóa từ Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nói chung thông qua các cảng biển như Cam Ranh, Bắc Vân Phong, Nam Vân Phong, Vũng Rô…
Hay những năm gần đây, Bình Định là địa phương “nổi như cồn” trong chính sách đẩy mạnh về hạ tầng giao thông đi trước. Tại địa phương này, các tuyến quốc lộ nối biển với Tây Nguyên đã thành hình hài (trục ngang Quốc lộ 19 mới); tuyến ven biển ĐT 639 (trục dọc) đang trên đà về đích…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng từng khẳng định, Bình Định “mở đường” theo các hướng ngang và dọc, chính là xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội một cách nhanh nhất.
”Bệ đỡ” cho Tây Nguyên
Với vị trí chiến lược, Vùng Duyên hải miền Trung nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, kết nối với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là địa bàn có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đóng vai trò “mặt tiền” của nền kinh tế. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, kinh tế của Vùng có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục.
Trong bối cảnh mới, Vùng Duyên hải miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, mặc dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, nhưng quy mô nền kinh tế của Vùng này còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng giống như nhiều khu vực khác, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế, đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp…
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 (Nghị quyết 23) của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Theo Tổng Bí thư, cần phải nhận thức rõ vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. “Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong vùng và Vùng Duyên hải miền Trung, Vùng Đông Nam bộ”, Tổng Bí thư nêu yêu cầu của Bộ Chính trị.
Cái “lõi” của Nghị quyết 23 là việc đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển Vùng.
Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các quốc gia trong khối ASEAN...
Thì tại Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, xác định vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là"mặt tiền"của quốc gia, "khúc ruột"của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn.
Lâu nay, câu chuyện làm du lịch kết nối vẫn luôn được các chuyên gia, các nhà hoạch định đưa ra bàn bạc tại các diễn đàn, hội thảo tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khi các địa phương chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu thế vượt trội nhìn từ nguồn lực tự nhiên, thì câu chuyện liên kết vùng du lịch dù có những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách.
Theo TS. Trần Du Lịch, việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn, nâng cao khả năng thu hút đầu tư và khách du lịch đến địa bàn liên kết với tư cách là một điểm đến thống nhất.
Đơn cử như Nha Trang - Khánh Hòa, đây là địa phương có vai trò trong triển khai liên kết vùng, ảnh hưởng rộng đến các chỉ báo phát triển, hình ảnh cả vùng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2018, lượng khách đến Nha Trang - Khánh Hòa đạt 6,3 triệu lượt, do đó địa phương này được xác định là một cực quan trọng của liên kết vùng "Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt", hay "Tam giác tăng trưởng du lịch" khu vực phía Nam là TP.HCM - Đà Lạt - Nha Trang.
Nhưng ở chiều ngược lại, phát triển du lịch Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Lâm Đồng - Tây Nguyên cũng là điều kiện và cơ hội để du lịch Khánh Hòa bứt phá, thực hiện mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Những vấn đề đặt ra trong liên kết vùng về các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch... Từ đó, đề xuất những định hướng về các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực mới, các động lực liên kết mới để phát triển khu vực duyên hải miền Trung trở thành “bệ đỡ” cho Tây Nguyên thực hiện giấc mơ xuyên Á.