Nhóm ngân hàng dẫn dắt
Tuy diễn biến vĩ mô có nhiều biến động, chủ yếu ở ngoài nước trong kỳ nghỉ Tết, khiến nhóm công nghệ lao dốc và VN-Index giảm hơn 12 điểm trong phiên giao dịch đầu Xuân, nhưng chỉ số đã nhanh chóng hồi phục và nối tiếp xu hướng tăng trước đó. VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua với mức tăng 3,72 điểm (+0,3%), đóng cửa tại 1.275,2 điểm; tính chung cả tuần tăng hơn 10 điểm (+0,8%).
Dòng tiền lan tỏa giúp hầu hết các nhóm ngành tăng điểm tích cực, cùng với sự cải thiện đáng kể của thanh khoản khớp lệnh. Nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt, đóng góp nhiều nhất vào đà hồi phục của chỉ số chung, giúp sắc xanh mở rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nhờ đó, chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tăng tốt hơn VN30; chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tăng cao hơn VN-Index.
Bên cạnh ngân hàng, nhóm cảng, vận tải biển cùng các ngành hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, vật liệu và hạ tầng tiếp tục thu hút dòng tiền, ghi nhận mức tăng đáng kể, trong khi công nghệ thông tin và bán lẻ vẫn chịu áp lực điều chỉnh.
Khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì động thái bán ròng, với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng trong tuần qua. Lực bán tập trung vào các mã công nghệ (FPT), bán lẻ (FRT, MWG) và VNM, khiến nhóm này có diễn biến kém tích cực. Ngược lại, PC1, PDR, HPG, GEX... là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng.
![]() |
Bức tranh kết quả kinh doanh phân hóa mạnh
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 duy trì đà tăng trưởng. Theo số liệu từ FiinTrade, tính đến ngày 3/2/2025 có 894 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 95,4% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định quý thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không đồng đều giữa các nhóm ngành. Một số ngành bứt phá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, trong khi một số ngành tiếp tục gặp khó khăn.
Xét 2 nhóm ngành lớn là tài chính và phi tài chính, nhóm phi tài chính tiếp tục vai trò dẫn dắt, nhưng tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, tăng 25,7% trong quý IV/2024 so với mức tăng 29% trong quý liền trước. Trong khi đó, nhóm tài chính lấy lại đà tăng, với mức tăng trưởng 16,7% so với cùng kỳ, cao hơn so với quý liền trước (+14,9%), nhờ ngân hàng và bảo hiểm đạt kết quả tích cực.
Trong số các ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận dương có thể kể đến ngành bất động sản, với mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 (+101,3%), phần lớn đến từ VHM (+1.482%) nhờ đẩy mạnh bàn giao tại đại dự án Royal Island (Hải Phòng), cùng sự đóng góp từ một số doanh nghiệp khác như KDH, PDR, DXG, NLG, VPI. Tuy nhiên, do đặc thù ghi nhận doanh thu trong ngành bất động sản (doanh thu chỉ được hạch toán khi bàn giao dự án), mức tăng trưởng cao này lại mang tính chất thời điểm nhiều hơn. Sự phân hóa về lợi nhuận trong ngành bất động sản cũng tương đối lớn, khi số lượng các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan vẫn chiếm đa số.
Bên cạnh nhóm bất động sản, ngành bán lẻ có sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn, khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn như MWG, PNJ, DGW đều có kết quả kinh doanh ấn tượng và vượt xa kế hoạch đề ra.
Việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện tại gặp khó khăn, do dòng tiền trên thị trường chưa thực sự mạnh. Mặc dù vậy, ý tưởng về việc chọn các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt của năm 2024 cho danh mục năm 2025 là khả thi, do động lực tăng trưởng của nhóm này là tương đối lớn.