Duy trì tầm nhìn dài hạn và khả năng chống chịu tài chính cho năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán góc nhìn về bối cảnh kinh tế vĩ mô và những khuyến nghị đáng chú ý với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc)

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc)

Năm 2023 sắp trôi qua, đâu là những điểm ông thấy nổi bật nhất khi đề cập đến khối doanh nghiệp niêm yết?

Điểm nổi bật tôi quan sát được qua các giải thưởng liên quan đến doanh nghiệp niêm yết cũng như những vụ việc nổi trội trong năm, đó là bước đi lớn trong nhận thức về quản trị doanh nghiệp cũng như việc đưa các thông tin về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào trong những báo cáo và trong hoạt động công ty. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng đây đã là nỗ lực đáng ghi nhận trong một năm không hề dễ dàng về mặt vĩ mô và thị trường.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, vấn đề về quản trị rủi ro và giám sát nội bộ ở Việt Nam vẫn còn nhiều mặt giới hạn. Câu chuyện liên quan đến Vạn Thịnh Phát - SCB là một cảnh báo hết sức quan trọng về vai trò của giám sát nội bộ cũng như rủi ro thao túng công ty. Trong bối cảnh phức tạp đó, các hội đồng quản trị của doanh nghiệp niêm yết phải thể hiện rõ ràng hơn trách nhiệm và những nỗ lực của mình trong việc định hướng và giám sát hoạt động của ban điều hành công ty.

Những kinh nghiệm hoặc bài học ở những doanh nghiệp nào ông quan sát có thể tham khảo học hỏi với cộng đồng doanh nghiệp?

Những yếu tố bất định trong 6 tháng đầu năm 2024 khá nhiều, nhất là vào một năm mà bầu cử ở nhiều nước, trong đó có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ quyết định các chính sách và dòng tiền.

Tôi không muốn nêu tên một doanh nghiệp cụ thể nào, nhưng nếu bạn vào website của một doanh nghiệp niêm yết thuộc hàng lớn của Việt Nam và nhìn thấy cách họ làm một báo cáo ESG với các chỉ tiêu, con số, mục tiêu và liên hệ nó với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc thì đó đã là một sự tiệm cận với cách làm báo cáo ESG hay báo cáo phát triển bền vững quốc tế.

Tất nhiên, vẫn còn một số thứ tôi cảm thấy là đi vào lối mòn, mà một số nước đang chỉ ra là “làm cho có” (boilerplate), nhưng đó là chuyện nhiều công ty niêm yết hàng đầu thế giới cũng bị chỉ trích. Cần ghi nhận rằng, so với vài năm trước, đây đã là một sự cập nhật xu hướng và áp dụng kịp thời.

Nhưng đồng thời, ở khía cạnh trao đổi với nhà đầu tư, những buổi tổ chức gặp mặt nhà đầu tư và giới phân tích sau khi công bố lợi nhuận vẫn còn giới hạn hoặc kiểu làm cho có. Ngay cả trong đại hội cổ đông, cách trả lời ý kiến nhà đầu tư ở một số doanh nghiệp niêm yết còn nhiều hạn chế và chưa phù hợp.

Điều này cho thấy hai vấn đề: Một là, ở khía cạnh báo cáo, đang có những thay đổi tích cực. Trong khi đó, ở khía cạnh giao tiếp, truyền thông với nhà đầu tư và chất lượng các công bố thông tin vẫn còn nhiều hạn chế. Đôi lúc, chúng ta chưa phân định rõ được vai trò này và đây vẫn là giới hạn lớn.

Số liệu của Deloitte công bố gần đây cho thấy, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO được tiến hành trong năm 2023, thu được vỏn vẹn 7 triệu USD. Điều này đặt ra cho chúng ta những suy ngẫm gì, nhất là khi các doanh nghiệp trong khu vực như tại Thái Lan, Indonesia... vẫn thu được lượng vốn lớn qua IPO?

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, năm nay là một năm đặc biệt khó khăn với hoạt động IPO trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc), thị trường chứng khoán London (Anh) đều gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả thị trường Mỹ, được xem là khá hơn, thì số vốn huy động qua IPO cũng rất giới hạn so với giai đoạn 2015 - 2019.

Ở một góc độ nào đó, tình trạng IPO khó khăn là trong bối cảnh chung của toàn cầu. Những ví dụ của Indonesia có tính đặc thù, được nhiều người gọi là tăng nóng (“red hot”) của năm nay. Con số của họ năm nay vượt cả Hồng Kông và Singapore, vì vậy là một tình huống đặc biệt của năm nay, với 68 thương vụ, hơn 3 tỷ USD được huy động, tính đến tháng 10. Một số thương vụ trong Top 10 thương vụ IPO lớn nhất của Indonesia đến lúc này là từ các công ty khai thác tài nguyên lớn, hoặc hưởng lợi từ nguồn tài nguyên của họ để làm ra những công ty pin và hỗ trợ cho công nghiệp xe điện.

Về mặt này, đây là lợi thế của tài nguyên. Nhưng có một điều có thể học hỏi, đó là những công ty hỗ trợ cho công nghiệp xe điện được phát triển trong một thời gian trước đây, chứ không phải mới đây, thể hiện rõ rằng IPO chỉ là kết quả, định hướng công nghiệp và công nghệ của quốc gia đóng vai trò thiết yếu trong tạo ra nguồn hàng hóa tiềm năng cho IPO. Vấn đề cần quay lại là Việt Nam cần có một chiến lược công nghiệp và công nghệ quốc gia rõ ràng hơn, xác định rõ lợi thế cũng như xu hướng để đưa ra những chính sách định hướng rõ ràng. Như vậy thì sau này, chúng ta mới có thể có những năm IPO “tăng nóng” như Indonesia.

Một điều liên quan nữa là trong bối cảnh cần có những công ty công nghệ có thể IPO, liệu rằng có nên xem xét lại điều kiện niêm yết, nhất là về chuyện phải có lợi nhuận, không lỗ lũy kế. Đã đến lúc cần có suy nghĩ về một bảng niêm yết cho doanh nghiệp mạo hiểm, lỗ nhưng có tiềm năng. Không có câu trả lời đúng duy nhất cho câu hỏi này, mà là chúng ta chấp nhận mạo hiểm để đổi lại cơ hội cho các công ty tăng trưởng đến đâu. Bài học WeWork ở Mỹ có thể khiến nhiều người lo lắng, nhưng đồng thời nếu chỉ lo như vậy, thì Tesla không thể niêm yết.

Ông có cảm nhận gì về triển vọng kinh tế năm 2024 qua các cuộc trao đổi với giới chuyên gia và doanh nghiệp? Theo ông, đâu là những điểm cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý?

Cho đến lúc này, đồng thuận chung của giới đầu tư và doanh nghiệp mà tôi có cơ hội tiếp xúc ở châu Âu và Mỹ là về mặt vĩ mô, sẽ khó khăn không ít, nhất là trong bối cảnh đa số dự báo kinh tế đều theo hướng điều chỉnh giảm so với 2023. Tuy nhiên, có một sự bất đồng sâu sắc trong chuyện điều kiện vĩ mô như vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các khoản đầu tư như thế nào.

Nhóm lạc quan tin rằng, áp lực của điều kiện tăng trưởng bất lợi, trong khi lạm phát giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, với doanh nghiệp niêm yết và các khoản đầu tư có rủi ro nói chung, đây là một điều tốt. Lãi suất USD và EUR giảm đáng kể sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường và thúc đẩy tín dụng chảy vào doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, bối cảnh tăng trưởng khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho những thương vụ M&A tốt cho doanh nghiệp lớn.

Nhóm bi quan thì tin rằng, nhận định các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất nhiều là quá lạc quan. Họ cho rằng rủi ro “hạ cánh cứng“ của các nền kinh tế lớn như Mỹ vẫn đáng kể, trong khi những gói hỗ trợ của kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục gây thất vọng.

Vấn đề lúc này là không thể chắc chắn phía nào sẽ đúng và những bất định trong ít nhất 6 tháng đầu năm 2024 khá nhiều, nhất là vào một năm mà bầu cử ở nhiều nước, trong đó có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ quyết định các chính sách và dòng tiền. Vì vậy, tôi cho rằng, duy trì một tầm nhìn dài hạn và khả năng chống chịu tài chính trong cả năm tới là quan trọng.

Sau khi lãi suất USD bắt đầu giảm dần (dự kiến sẽ giảm về 3%/năm hoặc thấp hơn vào năm 2026) thì mọi việc có thể dễ thở hơn. Nhưng đó là dựa trên giả định các vấn đề địa chính trị không trở nên phức tạp hơn và lạm phát toàn cầu đi vào xu thế giảm như một số dự đoán. Một số công ty và lĩnh vực sẽ không tránh khỏi lâm vào khó khăn tài chính, ví dụ bất động sản thương mại ở châu Âu và Mỹ. Một vài ngân hàng nữa phải vỡ nợ ở một số nước cũng sẽ là bình thường.

Tin bài liên quan