Khung điều hành tỷ giá hối đoái năm nay tăng giảm trong phạm vi 3 - 4% là hợp lý.

Khung điều hành tỷ giá hối đoái năm nay tăng giảm trong phạm vi 3 - 4% là hợp lý.

Duy trì chính sách ngoại hối linh hoạt và thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những biến động trên thị trường thế giới và trong nước sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khó lường hơn, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt và thích ứng.

Tiền đồng vẫn duy trì sức mạnh

Kể từ năm 2022 tới nay, USD có biến động mạnh mà xu hướng chính là tăng giá so với các đồng tiền khác trên toàn cầu. Có thời điểm yên Nhật mất giá tới 15% so với USD, trong khi Euro và Nhân dân tệ cũng lần lượt mất giá 10% và 6% so với đồng bạc xanh.

Đồng tiền của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, với mức giảm giá cao nhất là 8%. Tuy nhiên, so với diễn biến giảm giá của các đồng tiền chủ chốt và các đồng tiền khu vực Đông Nam Á, tiền đồng vẫn duy trì sức mạnh và mất giá thấp so với nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước có những chính sách theo hướng thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát và bình ổn tỷ giá hối đoái, tỷ lệ mất giá của VND so với USD đã giảm khá nhanh từ 8% xuống còn 3% vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây có thể coi là một trong những thành công đáng khích lệ của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, bên cạnh các yếu tố khác hỗ trợ như USD đã có sự điều chỉnh giảm sau thời gian tăng giá mạnh (chỉ số USD-Index đạt đỉnh 114,6 thì bắt đầu giảm và hiện tại ở trong khoảng 102,8-103).

Cũng trong thời gian này, các đồng tiền chủ chốt khác như Euro, Yên và các đồng tiền ở khu vực Đông Nam Á dần tăng giá trở lại theo xu hướng giảm giá của USD.

Một thành công khác của Việt Nam trong thời gian qua là các chính sách tài khoá có đóng góp quan trọng trong việc chống lạm phát. Cụ thể, các đợt giảm thuế nhiên liệu, xăng dầu, nhập khẩu của một số hàng quan trọng... có tác dụng làm giảm mặt bằng giá cả nói chung và là biện pháp chống lạm phát chi phí hữu hiệu nhất.

Như vậy, có thể thấy, điều hành của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng đã tạo ra một sự phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ khá đồng bộ và có hiệu quả thiết thực. Đây là điều được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.

Sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ như Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong năm 2022 là một điểm sáng và hiếm thấy, đặc biệt là chính sách tài khoá. Hiệu quả của việc điều hành sẽ còn tích cực hơn nữa nếu đầu tư công được đẩy nhanh hơn bằng cách phối với nhiều bộ ngành, cải thiện thanh khoản của nền kinh tế.

Tất nhiên, chính sách tài chính, tiền tệ đặc biệt là chính sách thuế và tỷ giá hối đoái còn những hạn chế nhất định trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, khi cầu tiêu dùng suy giảm mạnh tại thị trường toàn cầu, đặc biệt là thương mại quốc tế tăng trưởng rất thấp. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nhiều quốc gia suy giảm. Lượng đơn đặt hàng đi xuống ngay cả khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch. Tại châu Âu, không ít doanh nghiệp tại các ngành công nghiệp như dầu mỏ, khí đốt, nhựa… cũng đối diện rủi ro phá sản, nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Điều hành linh hoạt và thích ứng

Với những diễn biến khó lường của cuộc xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và các quốc gia không giàu tài nguyên dầu mỏ, việc điều hành chính sách và ổn định tỷ giá tiếp tục là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Theo đó, nhiều quốc gia vẫn còn dè dặt trong việc giảm dần các biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu do nguy cơ lạm phát rất lớn.

Ảnh tác giả

Cần hạn chế tối đa dùng đến dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, bởi vì sự suy giảm của dự trữ ngoại hối có thể ảnh hưởng đến uy tín thanh toán quốc tế của Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Tình hình kinh tế Mỹ có vẻ dễ thở hơn nhờ thị trường việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, đặc biệt là Mỹ được hưởng lợi từ khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu thông qua việc bán khí đốt, dầu mỏ, các nguyên liệu từ dầu mỏ...

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn, chỉ số PMI tiếp tục giảm và tình hình đơn hàng xuất khẩu chưa được cải thiện, ngay cả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, khả năng phục hồi kinh tế diễn ra chậm, chưa kể những tác động bất lợi từ thị trường tài chính và thị trường bất động sản có thể tiếp tục kéo dài.

Trong bối cảnh này, tỷ giá hối đoái chịu nhiều lực tác động nhiều chiều. Chính phủ cần phải có những hành động phù hợp, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, dựa trên việc đánh giá các diễn biến trên thị trường.

Các yếu tố cần chú trọng

Một là, diễn biến của đồng USD: Liệu đồng bạc xanh có tiếp tục giảm giá và USD Index có ổn định quanh mức 100 điểm? Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm trầm trọng, USD và Euro sẽ diễn biến như thế nào? Đáng chú ý, khi các nước trong khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đi đến thoả thuận sử dụng hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ và xu hướng thế giới đa cực ngày càng hiện rõ, USD có thể tiếp tục giảm giá.

Hai là, lạm phát của thế giới có thể không giảm nhanh như kỳ vọng do hậu quả của xung đột địa chính trị, các ngân hàng trung ương buộc phải duy trì lãi suất ở mức cao thêm một thời gian, có thể đến cuối năm 2023. Trong trường hợp đó, giá hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ ở mức cao và sức ép lạm phát, đặc biệt là lạm phát chi phí khá lớn.

Ba là, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù suy giảm khá mạnh trong quý I và dự báo giảm trong năm 2023, nhưng thặng dư thương mại khá lớn. Liệu có thể duy trì được thặng dư thương mại như hiện nay hay không?

Theo tôi, thặng dư thương mại có thể suy giảm do xuất khẩu đi xuống với tốc độ nhanh hơn nhập khẩu, trong đó có yếu tố cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc ra thị trường thế giới so với hàng hoá của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam mở rộng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam - Trung Quốc sẽ ngày càng nới rộng, ít nhất là từ nay đến năm 2024.

Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng có xu hướng giảm, khiến cho cán cân tài chính trong cán cân thanh toán quốc tế tổng thể suy giảm. Nếu Việt Nam không kiểm soát tốt dòng chảy ngoại tệ ra bên ngoài thì cán cân thanh toán tổng thể có thể bị thâm hụt. Trong trường hợp đó, tác động tiêu cực của cán cân thanh toán tổng thể đến tỷ giá hối đoái sẽ khá lớn và rất khó khắc phục.

Nhìn tổng thể, những biến động trên thị trường thế giới và trong nước sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khó lường hơn. Vì vậy, chính sách tỷ giá hối đoái cần linh hoạt và thích ứng, hạn chế tối đa dùng đến dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, bởi vì sự suy giảm của dự trữ ngoại hối có thể ảnh hưởng đến uy tín thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Khung điều hành tỷ giá hối đoái tăng giảm trong phạm vi 3 - 4% là hợp lý. Ngoài ra, cần tiếp tục duy trì sự phối hợp của chính sách tài khoá, đặc biệt là chính sách thuế hàng nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tối thiểu về FDI và giải ngân đầu tư công.

Các chính sách này phải được tiến hành nhanh chóng, mạnh mẽ, gắn với cải cách thủ tục hành chính sâu rộng để tạo ra chuyển biến tích cực từ thị trường tài sản (bất động sản, trái phiếu, chứng khoán) nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có ổn định tỷ giá hối đoái. Đồng thời, từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại nội địa và xuất khẩu.

Chính phủ đã thành lập một số ban chỉ đạo liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ và thị trường tài sản, cho đến nay đã phát huy tác dụng nhất định. Nhưng để đối phó với tình hình phức tạp từ bên ngoài và trong nước thời gian tới, các tiểu ban này của Chính phủ cần có những hoạt động cụ thể và đưa ra những giải pháp sắc bén với tầm nhìn chiến lược, từ đó lành mạnh hoá thị trường tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin bài liên quan