Rối rắm xử lý tài sản công
Sự phức tạp là điều có thể dễ dàng nhận thấy nếu chiểu theo phương án sử dụng vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình thuộc Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vừa được Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước.
Theo đó, tại Công văn số 06/TTr - BTC, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trên cơ sở đánh giá các yếu tố hiệu quả, báo cáo cấp thẩm quyền quyết định phương án tiếp tục triển khai hay dừng hoặc kết thúc Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Dự án).
Trường hợp Dự án được cấp có thẩm quyền cho phép kết thúc thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT triển khai các thủ tục dừng, kết thúc dự án.
Đồng thời, căn cứ quy định về xử lý tài sản dự án sau khi kết thúc dự án tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn để xử lý vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hướng xử lý này cơ bản nhận được sự thống nhất cao của các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và GTVT.
Như vậy, lối ra cho số vật tư, thiết bị đường sắt đã được mua sắm nhưng chưa sử dụng suốt gần 10 năm qua sẽ tiếp tục phải chờ đợi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định số phận của Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, trước khi tính tới phương án xử lý khác.
Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km, với tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, dự kiến hoàn thành năm 2011.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1m) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/h cho tàu khách và 80 km/h cho tàu hàng.
Nếu tuyến đường này hoàn thành, hành trình chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5-2 giờ (với tàu khách), 3-4 giờ (với tàu hàng).
Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, công trình rơi vào tình trạng “tê liệt” suốt hơn 5 năm trở lại đây.
Hiện, ngoài tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân (tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng) được hoàn thành, 3 tiểu dự án còn lại đang thực hiện dở dang, nhiều hạng mục phải “đắp chiếu” bảo quản.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư trước đây của Dự án (Cục Đường sắt Việt Nam) đã ký hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị (ray, ghi, tà vẹt, các phụ kiện liên kết đồng bộ) từ năm 2007-2009.
Song đến năm 2011, Dự án bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn và chưa xác định cụ thể thời điểm triển khai thực hiện trở lại, nên các vật tư thiết bị đã mua sắm (khoảng 13.200 thanh ray và phụ kiện đồng bộ, tương ứng với giá trị khoảng 375 tỷ đồng) chưa được sử dụng, lắp đặt hết vào công trình (đến nay vẫn phải trông coi bảo quản).
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị nhận trông coi bảo quản, hiện các vật tư, thiết bị nhập về chưa sử dụng của Dự án đang được quy xếp thành từng cụm lớn tại bãi hàng các ga Đông Triều, Chí Linh,
Yên Dưỡng. Các thanh gỗ kê đã bị mục, gãy; các thanh ray, lõi nhựa chôn trong tà vẹt do ảnh hưởng của thời tiết và tác động của môi trường trong thời gian dài đã bị biến dạng.
Bí lối giải cứu dự án
Trước đó, với hy vọng là tìm lối ra cho một phần tài sản đang phải đắp chiếu từ 10 năm nay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chuyển số lượng ray và phụ kiện liên kết đồng bộ đã mua sắm cho Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để sử dụng tại 4 dự án cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Các vật tư, thiết bị còn lại (gồm tà vẹt và ghi) chưa được điều chuyển do không đồng nhất về khổ đường, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng tiếp tục giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trông coi bảo quản bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ hồi cuối năm 2017.
Đối với khoản kinh phí thu được (ước tính khoảng 375 tỷ đồng) khi đưa số lượng ray và phụ kiện liên kết đồng bộ vào 4 dự án, Bộ GTVT đề nghị giao Bộ nghiên cứu để đầu tư thêm một số hạng mục công trình tương tự trên tuyến Hà Nội - TP.HCM.
“Trong trường hợp đề xuất được chấp thuận, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn thủ tục điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án; Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn cơ chế xử lý đối với số vật tư, thiết bị điều chuyển nêu trên làm cơ sở để Bộ GTVT rà soát, xây dựng cơ chế cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị.
Mặc dù đề xuất này được các chuyên gia đánh giá là giúp cho khối vật tư, thiết bị đường sắt tại Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được sử dụng hiệu quả nhất, nhưng lại rất mong manh nếu xét về góc độ pháp lý.
Theo Bộ Tài chính, Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vì vậy, các vật tư, thiết bị (bao gồm ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đồng bộ) được mua sắm để lắp đặt vào công trình này phải được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 và các quy định của pháp luật khác có liên quan (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng,...).
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chỉ quy định xử lý tài sản sau khi dự án kết thúc. Đồng thời, việc bán chỉ định giá theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ cũng chỉ áp dụng đối với tài sản có nguyên giá kế toán dưới 250 triệu đồng/1 đơn vị tài sản.
Trên thực tế, Dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc kết thúc dự án và công trình này cũng mới chỉ đưa vào khai thác đoạn Hạ Long - Cái Lân.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc bán chỉ định nếu thực hiện để sử dụng trong dự án khác sẽ tránh lãng phí vật tư, thiết bị đã đầu tư, song việc triển khai sẽ vướng mắc vì thiếu căn cứ pháp lý.
Tại Công văn số 3250/BKHĐT - KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ vào giữa tháng 5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, pháp luật về đấu thầu và đầu tư công hiện nay không có quy định về việc điều chuyển vật tư, thiết bị, hàng hóa giữa các dự án đầu tư công.
Do đó, không có căn cứ pháp lý để Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý về kiến nghị trên của Bộ GTVT.
Liên quan đến việc điều chuyển kế hoạch vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cả 4 dự án đường sắt quan trọng cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Trường hợp sử dụng nguồn vốn của các dự án này để thực hiện cho công trình khác, cần phải được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.