Đường sắt Việt Nam muốn gỡ tư duy bao cấp, nổi không?

Đường sắt Việt Nam muốn gỡ tư duy bao cấp, nổi không?

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn đang cố “vẫy vùng” để thoát dần tư duy bao cấp trong kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách.

Có chuyển biến, nhưng chưa rõ

Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị Sơ kết công tác sản xuất - kinh doanh của VNR vừa được tổ chức giữa tuần này.

Cần nói thêm rằng, ông Đông là người được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giao nhiệm vụ mỗi tuần phải tổ chức một buổi họp giao ban với VNR theo hướng trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổng công ty 91 nổi tiếng là “trì trệ” này.

Trên thực tế, việc kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 của VNR chưa có nhiều chuyển biến lớn cho thấy, quá trình tái cơ cấu VNR dường như vẫn ở giai đoạn khởi đầu.

Cụ thể, giá trị sản lượng của toàn VNR trong 6 tháng đầu năm đạt 2.414,3 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch, trong đó doanh thu của hai mũi nhọn chủ lực là vận tải hành khách đạt 1.478 tỷ đồng, vận tải hàng hóa đạt 890 tỷ đồng.

Điều đáng báo động là, số lượng khách đi tàu vẫn tiếp tục giảm, với 5,9 triệu lượt, chỉ đạt 96% so với cùng kỳ năm 2013. “Nguyên nhân sụt giảm sản lượng hành khách do khách đi tàu đường dài có xu hướng giảm trước sự cạnh tranh quyết liệt của hàng không giá rẻ”, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR lý giải.

Ngay cả vận tải hàng hóa - lĩnh vực có mức tăng trưởng tới 12,6% cũng được Bộ GTVT đánh giá là chưa tận dụng cơ hội vàng, khi kể từ ngày 1/4/2014, Chính phủ chính thức siết chặt việc kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ. Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tăng đột biến tại 3 tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai.

Theo một chủ hàng rời ở Hải Phòng, do không chủ động được thiết bị bốc xếp, kho bãi, nên VNR vẫn chưa thực hiện được đầy đủ quá trình vận tải hàng hóa theo phương thức “từ cửa đến cửa”. Được biết, trong quý III/2014, VNR sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác hành trình tàu hàng chuyên tuyến Bắc - Nam 58 giờ.

Tuy nhiên, do năng lực chuyên chở có hạn, việc phân bố nguồn lực khai thác tuyến chưa hợp lý, nên rất khó để VNR tạo sự đột biến về sản lượng vận tải hàng hóa trong thời gian tới.

Điều đáng nói là, dù đã bước sang quý III/2014, nhưng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014, VNR không thể tổng hợp và công bố chỉ tiêu quan trọng nhất đối với một DN kinh doanh: lợi nhuận trước và sau thuế.

Một cán bộ vừa được Bộ GTVT điều động về VNR cho biết, tư duy và cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa tại đây vẫn còn rất nặng nề. Không chỉ các ban tham mưu giúp việc, mà các công ty con cũng chỉ chăm chú hoàn thành kế hoạch về sản lượng, mà chưa coi trọng đến hiệu quả.

Hai thách thức lớn với VNR

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hai thách thức lớn nhất đối với VNR chính là nguy cơ tụt hậu ngày một lớn và năng lực cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp kinh doanh các loại hình vận tải khác, trong đó nổi cộm là trình độ, kỹ năng quản trị DN của cả cấp tổng công ty lẫn đơn vị thành viên.

“Hệ thống kiểm soát nội bộ, hạch toán kế toán của VNR rất yếu, lộn xộn không bóc tách được lỗ, lãi của các lĩnh vực hoạt động”, một chuyên gia nhận xét.

Đây cũng là lý do khiến Bộ GTVT vừa phải quyết định thanh tra toàn diện VNR và các đơn vị phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp, các công ty con.

Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thanh tra 7 lĩnh vực hoạt động tại VNR, gồm: công tác quản trị, quản lý DN, tổ chức cán bộ, lao động tiền lương; quản lý vốn, tài sản, công tác kiểm soát nội bộ; quản lý và sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt, vốn đầu tư xây dựng; quản lý, khai thác hạ tầng kỹ thuật đường sắt; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước; việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo Điều lệ.

Bên cạnh đó, dù là được đánh giá là phương thức vận tải khối lượng lớn, có nhiều ưu thế, song thị phần vận tải hành khách của đường sắt hiện chỉ chiếm 0,4% và thị phần vận tải hàng hóa chỉ chiếm 0,7% sản lượng vận tải toàn ngành GTVT; doanh thu của công ty mẹ – VNR có vốn chủ sở hữu 1.837 tỷ đồng năm 2013 chỉ đạt 4.932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng… Những kết quả được đánh giá là rất khiêm tốn so với khối tài sản trị giá hàng tỷ USD mà doanh nghiệp này đang được độc quyền khai thác.

Được biết, cùng với việc sắp xếp Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn và Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt thành 2 công ty vận tải theo địa giới hành chính Bắc - Nam, VNR tiếp tục đà “thay máu cán bộ”.

Cụ thể, sau khi thay cả tổng giám đốc, kế toán trưởng, bổ nhiệm kiểm soát viên mới, Bộ GTVT đã bật đèn xanh cho VNR bổ nhiệm mới hoặc “đảo ghế” khoảng 20 vị trí đầu mối thuộc các ban chức năng và công ty thành viên.

“Việc sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên, cơ quan tham mưu của VNR hiện mới chỉ mang tính cơ học, cần có sự thay đổi, chuyển hướng sâu rộng về chất, theo hướng thoát ly dần chức năng quản lý nhà nước, gia tăng chất kinh doanh cho tổng công ty”, ông Đông chỉ đạo.

Tin bài liên quan