Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại cuộc họp tìm giải pháp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải khối lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ được tổ chức cuối tuần qua.
Không được “há miệng chờ sung”
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị “chịu trận” nặng nề nhất tại cuộc họp trên, khi phải đón nhận một loạt phản ứng của các chủ hàng lớn như mía đường, xi măng, thép.
“Sau khi đường bộ siết chặt việc kiểm soát tải trọng, chúng tôi đã làm việc với đường sắt để chở 10.000 tấn đường từ Thanh Hóa lên Lào Cai. Tuy nhiên, dù đã ký được hợp đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt vẫn không được xếp lịch để chuyển hàng đi sau hàng tuần chờ đợi”, bà Vũ Thị Huyền Đức, Giám đốc Công ty Mía đường I phàn nàn.
Thừa nhận tính ưu việt về giá cước của vận tải đường sắt, ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Phân đạm Hà Bắc cho biết, cán bộ đơn vị đã từng “gõ cửa” đường sắt, nhưng sau đó phải bỏ cuộc xoay sang chở bằng đường thủy nội địa. “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đích thực, còn nặng tính độc quyền”, ông Hùng than thở.
Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, đơn vị này có nhu cầu vận chuyển khoảng 1 triệu tấn phôi thép mỗi năm từ Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) về khu vực Hà Nội, nhưng khi làm việc với ngành đường sắt, mới biết năng lực vận tải tuyến đường sắt phía Tây đã cạn.
Dù chưa cạn năng lực như tuyến phía Tây, một số tuyến đường sắt chủ lực khác như Thống Nhất, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng cũng không làm tròn trách nhiệm “chia lửa” với lĩnh vực đường bộ, dù giá cước chỉ bằng 60%.
Bác quan điểm của ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc Tổng công ty sẽ đầu tư thêm thiết bị xếp dỡ khi có đủ chân hàng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đường sắt đang tự đặt mình vào câu chuyện “con gà, quả trứng”.
“Tổng công ty không được ‘há miệng chờ sung’, phải chủ động đầu tư trước thiết bị để nâng cao năng lực khơi thông luồng hàng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ sẽ không lỏng tay siết chặt tải trọng đường bộ”, ông Thăng yêu cầu.
Kéo giảm chi phí vận tải
Không chỉ riêng ngành đường sắt, các lĩnh vực vận tải khối lớn khác, như đường thủy nội địa, vận tải biển cũng phải chịu nghịch cảnh “giá cước thấp, năng lực dư thừa”, nhưng không cạnh tranh với lĩnh vực đường bộ. “Vận tải đang cắt khúc quá nhiều, với nhiều công đoạn bốc xếp, đẩy chi phí lên cao. Nếu chở một container từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng đường sắt, đường biển, thì phải mất 4 - 5 lần bốc lên, dỡ xuống. Tình trạng này không được giải quyết sớm, thì sẽ rất khó phân bổ hợp lý các phương thức vận tải”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định.
Để sớm tạo ra thay đổi căn bản về năng lực của các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng không, sẵn sàng thay thế, giảm tải đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, mỗi đơn vị phải tăng năng lực, cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, chống tiêu cực.
“Bộ GTVT sẽ sớm đưa sàn giao dịch vận tải hàng hóa vào hoạt động, triển khai xây dựng khung giá cước của từng phương thức vận tải và đưa ra các tiêu chí đảm bảo kết nối giữa các phương thức vận tải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất các cơ chế ưu đãi; giảm giá xếp dỡ, mức phí, lệ phí tại các cảng biển, cảng sông, nhằm giảm tổng giá cước vận tải”, ông Thăng cho biết.
Bộ trưởng yêu cầu, ngành đường sắt phải chấm dứt ngay tình trạng tiêu cực, đầu tư để cải thiện năng lực bốc xếp hàng hóa, bố trí, sắp xếp lại một cách khoa học để tăng năng lực vận tải. Trong khi chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, ngành đường sắt cần ưu tiên chở hàng nông thổ sản, phân bón phục vụ nông dân.
Đối với lĩnh vực vận tải thủy nội địa, nhằm nâng cao năng lực chuyên chở ở khu vực phía Nam, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng hạ tầng, tháng 3/2015 sẽ hoàn thành cải tạo tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội - Lào Cai, hoàn thành nạo vét kênh Chợ Gạo, kênh Chánh Bố trong năm 2015…
“Bộ GTVT sẽ thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh của các doanh nghiệp, chủ hàng gặp khó khăn trong hoạt động vận tải. Mục tiêu lâu dài được đặt ra là kéo giảm chi phí vận tải trong GDP, chi phí vận tải trong GDP chiếm 15% - 20% hiện nay là quá cao”, Bộ trưởng Thăng nói.