Đường sắt Hà Nội lên kế hoạch hợp nhất với Đường sắt Sài Gòn

Đường sắt Hà Nội lên kế hoạch hợp nhất với Đường sắt Sài Gòn

(ĐTCK) Ngày 15/6 tới, CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT, sàn UPCoM) sẽ tổ chức đại hội cổ đông 2020. Câu chuyện hợp nhất với CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự báo là tâm điểm thảo luận của Đại hội.

Nội dung tờ trình của Hội đồng quản trị HRT về kế hoạch hợp nhất được công bố trước Ðại hội rất sơ sài.

Theo đó, “nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đường sắt, Hội đồng quản trị Công ty trình Ðại hội đồng cổ đông chủ trương hợp nhất 2 Công ty cổ phần Ðường sắt Hà Nội và Sài Gòn; xây dựng phương án hợp nhất 2 công ty khi Ðề án tái cơ cấu Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Như vậy, Hội đồng quản trị mới chỉ đề nghị thông qua về mặt chủ trương, chưa có phương án hợp nhất cụ thể.

Vì vậy, các thông tin về Ðề án tái cơ cấu của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, phương án sáp nhập ra sao, công ty sau hợp nhất như thế nào... là những câu hỏi mà cổ đông chờ đợi được giải đáp tại Ðại hội.

Hiện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam có 3 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt, gồm CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn; CTCP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco).

Trong đó, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội cùng kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Ratraco chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa.

Ðược biết, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đã xây dựng Ðề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020, để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, Tổng công ty sẽ cơ cấu lại các công ty cổ phần vận tải đường sắt theo phương án hợp nhất CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn và CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội thành CTCP Vận tải đường sắt; thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản từ công ty hợp nhất này để thành lập công ty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp hợp nhất. Sau khi tổ chức sản xuất - kinh doanh ổn định, có hiệu quả, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện thoái hết toàn bộ vốn tại công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt này.

Ðể thực hiện được nhiệm vụ về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ cổ phần chi phối và duy trì ở mức 51%.

HRT tổ chức chạy tàu trên các tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Ðồng Ðăng, Hà Nội - Lào Cai… và tuyến Ðường sắt Thống Nhất. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2015 với vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 91% là Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam. Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM từ năm 2016.

Từ sau cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động kinh doanh của HRT rất khiêm tốn, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận rất thấp, có năm không có lợi nhuận. Năm 2019, HRT đạt doanh thu 2.594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế 71 tỷ đồng.

Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.636 tỷ đồng, dự kiến lỗ 335 triệu đồng. HRT dự kiến triển khai 18 danh mục dự án đề nghị đầu tư mới với tổng mức đầu tư hơn 345 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ nguồn khấu hao tài sản cố định được sử dụng trong năm 2020 là gần 200 tỷ đồng.

Dự án lớn nhất là đầu tư đóng mới 200 toa xe hàng, dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng. Trước mắt, năm 2020, bố trí 23,5 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được bổ sung vào năm 2021 và vay vốn ngân hàng.

Năm 2017, HRT khiến dư luận chú ý khi tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển: mua toa xe nội thay vì nhập khẩu đồng bộ.

Trước đó, Công ty thông qua 2 dự án đầu tư mới 2 ram tàu khách và đầu tư mới 60 toa xe tàu khách.

Dự án đầu tư mới 2 ram tàu khách sẽ nhập khẩu đồng bộ toàn bộ ram 2 tàu, tương đương với 30 toa xe với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng. Còn dự án đầu tư 60 toa xe tàu khách sẽ sản xuất, lắp ráp trong nước.

Do chi phí sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ bằng 57% so với nhập khẩu đồng bộ, Công ty đã xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh dự án. Ðây cũng là năm HRT lỗ 87,7 tỷ đồng và đến nay chưa hết lỗ lũy kế.

Hồi tháng 5, CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn (DSS, sàn UPCoM) đã tổ chức Ðại hội cổ đông nhưng không đề cập đến câu chuyện sáp nhập. Năm 2019, DSS đạt doanh thu 146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,8 tỷ đồng, trả cổ tức 11,2%.

Hiện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam nắm giữ 51% cổ phần DSS. Năm 2020, DSS đặt kế hoạch doanh thu 163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng, trả cổ tức 10,5%.       

Tin bài liên quan