Phần xây lắp dự án đạt 90% khối lượng, phần lắp đặt thiết bị đạt 40%. Ảnh minh họa: Giang Huy.

Phần xây lắp dự án đạt 90% khối lượng, phần lắp đặt thiết bị đạt 40%. Ảnh minh họa: Giang Huy.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể chậm tiến độ thêm 11 tháng

Sau 3 lần chậm tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể phải tiếp tục lùi mốc chạy thử vào cuối năm 2018. 

Tổng thầu Trung Quốc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa đề xuất dời chạy thử kỹ thuật dự án đến đầu tháng 9/2018; vận hành, khai thác thương mại vào tháng 11/2018. 

Trước đề xuất trên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát lại tiến độ, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2018.  

Như vậy đề xuất của Tổng thầu chưa được duyệt chính thức, tuy nhiên nếu theo đề xuất trên, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018.

Một số công trường có ít công nhân làm việc

Hiện trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các khu bảo dưỡng sửa chữa (Depot), tòa nhà điều hành, nhà xưởng vẫn đang thi công các hạng mục điện nước, nền đường, chưa hoàn thành lắp đặt cửa, ốp lát.

Các công trường ga La Khê, Láng, Cát Linh có rất ít nhân công làm việc. Một số nhà ga đã hoàn thành phần xây dựng, song phần hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, viễn thông của các nhà ga chưa được lắp đặt. 

Việc giải ngân khoản vay ưu đãi 250 triệu USD gặp vướng mắc

Nguyên nhân chậm tiến độ chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông được xác định là do việc giải ngân khoản vay ưu đãi 250 triệu USD của Trung Quốc gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. 

Việc thanh toán bổ sung vốn chưa kịp thời khiến Tổng thầu Trung Quốc tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Cùng với đó, không có tiền để thanh toán các gói thiết bị đã đặt hàng như hệ thống điện, thông tin liên lạc.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, dự án đã hoàn thành xây lắp đạt được trên 95% nhưng còn 5% là thiết bị chưa được lắp đặt; chưa trả tiền thì đối tác chưa chuyển thiết bị. 

Thứ trưởng Đông cho biết, theo kế hoạch, vào tháng 12/2016 phải giải ngân cho phần khối lượng thực hiện và tiếp tục có Hiệp định vay vốn mới, nhưng đến tháng 5/2017 mới ký được Hiệp định vay vốn với phía Trung Quốc. 

Đến tháng 9/2017, các thủ tục phía Việt Nam vẫn chưa hoàn tất do chờ ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp và một số vướng mắc khác. "Đến nay các vướng mắc trong việc giải ngân phía Việt Nam đã được giải quyết, chỉ chờ các thủ tục phía Trung Quốc cho khoản vay 250 triệu USD", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói vào ngày 10/12. 

"Nhiều thiết bị chưa được chuyển về Việt Nam"

Ông Đường Hồng - Giám đốc Ban điều hành dự án, Tổng thầu Trung Quốc, cho biết, nhiều thiết bị cho các hạng mục điện, viễn thông đã được đặt hàng ở nước ngoài song chưa được chuyển về Việt Nam do chưa có tiền thanh toán. 

Trong những tháng tới, các nhà thầu sẽ lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, điện tử, hoàn thiện xây lắp các nhà ga. Tuy nhiên, Tổng thầu đang nợ các nhà thầu Việt Nam hơn 600 tỷ đồng. Để đạt được tiến độ hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc đã ứng vốn lưu động hơn 65 triệu USD để trả cho các nhà thầu.

"Chúng tôi bỏ vốn lưu động ra cũng chỉ giải quyết trước mắt", ông Đường Hồng nói và cho hay, Tổng thầu đã báo cáo Đại sứ quán Trung Quốc để đôn đốc việc giải ngân và làm việc với Bộ Giao thông, các bên liên quan để cùng vào cuộc, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trải nghiệm nhà ga tuyến Cát Linh - Hà Đông

Đây là lần thứ tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lùi tiến độ chạy thử tàu. Với tiến độ này, việc khai thác thương mại dự án trong năm 2018 cũng khó đảm bảo. 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công năm 2011, với tiến độ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, điều chỉnh thiết kế khiến dự án bị chậm tiến độ kéo dài. 

Năm 2016, Bộ Giao thông đã đưa ra kế hoạch hoàn thành dự án vào cuối tháng 7/2017. Tuy nhiên dự án vẫn chậm tiến độ do chậm giải ngân khiến phải kéo dài tiến độ khai thác thương mại đến quý 2/2018.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

Tin bài liên quan