ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật BASICO) về nội dung này.
Thưa luật sư, đối với một gói thầu, sau khi có kết quả trúng thầu, trong trường hợp nào thì bên mời thầu được hủy kết quả đấu thầu?
Trong lĩnh vực đấu thầu, theo quy định tại Điều 17, Luật Đấu thầu về “Các trường hợp hủy thầu” thì kết quả đấu thầu có thể bị hủy trong một số trường hợp. Cụ thể: (1) Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (2) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (3) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; (4 Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Luật sư Hồ Anh Khoa
Có khác biệt gì giữa những trường hợp hủy thầu này không, thưa ông?
Với mỗi trường hợp hủy thầu, trước khi đi đến kết quả hủy thầu sẽ đều trải qua những giai đoạn pháp lý nhất định. Chẳng hạn, trường hợp tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, trong một số trường hợp, nếu đàm phán sơ bộ hợp đồng không thành công thì theo quy định, có thể căn cứ vào khoản 1, Điều 17 về “Các trường hợp hủy thầu”, Luật Đấu thầu năm 2013 để xem xét hủy thầu.
Cũng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, việc hủy thầu theo trường hợp khác nhau sẽ có thể dẫn tới một số hệ quả pháp lý khác nhau.
Tôi lấy ví dụ trường hợp nhà thầu (hoặc nhà đầu tư trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư) bị hủy thầu do vi phạm pháp luật về đấu thầu. Có thể là do có việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận hoặc là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Nếu như vậy, thì phần bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả lại. Đây là quy định tại khoản 8, Điều 11 về “Bảo đảm dự thầu”: nếu nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến bị hủy thầu thì bảo đảm dự thầu không được hoàn trả.
Hay như trường hợp nhà thầu bị hủy thầu do hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án. Nếu xác định được tổ chức, cá nhân nào có vi phạm dẫn đến phải hủy thầu thì phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác, thì tùy thực tế mà các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm tương xứng.
Giả sử chủ đầu tư hủy bỏ kết quả đấu thầu và nhà thầu Trung Quốc không chấp nhận rút lui, phía Việt Nam sẽ phải đối mặt với hậu quả gì? Nhà thầu Trung Quốc có thể khởi kiện?
Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định về cơ chế để nhà thầu, nhà đầu tư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, không chỉ với trường hợp bị hủy thầu. Tùy thực tế mà nhà thầu, chủ đầu tư có thể kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền - ở đây là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật để được giải quyết những yêu cầu của mình nhằm đảm bảo quyền lợi.
Ngay cả khi đang giải quyết kiến nghị hoặc đã có kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu cũng vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án.
Trường hợp khởi kiện ra Tòa án, nhà thầu, chủ đầu tư có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như tạm dừng ngay việc đóng thầu; phê duyệt danh sách ngắn; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ký kết hợp đồng; thực hiện hợp đồng.
Do việc giải quyết tranh chấp đấu thầu trong những trường hợp này phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, nên khi khởi kiện, nhà thầu, chủ đầu tư cần bám sát các yêu cầu của pháp luật tố tụng dân sự để bảo đảm khả năng thụ lý giải quyết của Tòa án có thẩm quyền.
Trong trường hợp có bên tham gia là doanh nghiệp nước ngoài, thì tùy thực tế, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ cần xem xét thấu đáo nhiều yếu tố. Trong đó cần đối chiếu các điều ước quốc tế (song phương, đa phương) mà Việt Nam và quốc gia nơi doanh nghiệp đó đăng ký ký kết hoặc là thành viên điều chỉnh vấn đề tranh chấp.