SSI Research kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu trong thời gian tới.
Bộ Công thương mới đây đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar), thời gian áp thuế kéo dài 5 năm. Tổng mức thuế nhập từ 5 nước này lên tới 47,64%, bằng với mức thuế của đường mía nhập từ Thái Lan được áp vào tháng 6/2021.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổng cục Hải quan Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2020, khi Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo cam kết ATIGA, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã đạt 1,2 triệu tấn (tăng 330% so với cùng kỳ) vào năm 2020, và chiếm khoảng một nửa lượng đường tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (từ 2,1-2,3 tấn/năm).
Hơn nữa, kể từ khi bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, đường xuất khẩu của Thái Lan đã được xuất khẩu gián tiếp qua 5 nước ASEAN.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN đạt 865.000 tấn (tăng 280% so với cùng kỳ), trong khi lượng đường xuất khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam giảm xuống còn 370.000 tấn (giảm 70% so với cùng kỳ) vào năm 2021.
Do đó, việc áp thuế đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN là tất yếu nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía
Báo cáo cập nhật ngành đường Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research)phân tích: "Các biện pháp áp thuế mới nhất của Bộ Công thương đối với đường nhập từ 5 nước ASEAN sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam".
VSSA tính toán, giá đường Thái Lan thấp hơn 11% so với giá đường Việt Nam, tạo điều kiện cho đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022.
Sản lượng đường trong nước đạt 742.000 tấn (tăng 7,5% so với cùng kỳ) trong niên vụ 2021/22, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu thị trường trong nước.
Sản lượng này được cho là mức thấp nhất trong vòng 19 năm qua. Hiện chỉ còn 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.
SSI Research ước tính, việc áp thuế suất 47,6% đối với đường nhập khẩu (từ Thái Lan và các nước ASEAN khác) sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam, đồng thời kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới.
Cụ thể, giá đường trong nước được dự đoán sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại. Đại diện VSSA cũng khẳng định, giá bán đường ở mức 19.000 đồng/kg thì doanh nghiệp mới có lãi.