Đường lậu chiếm 50% nhu cầu cả nước
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đưa ra con số ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng trên 800.000 tấn. Trong khi đó, theo các cơ quan chức năng, chỉ có 3.000 tấn đường nhập lậu bị bắt giữ.
Theo VSSA, vụ sản xuất 2017 - 2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động, sản xuất gần 1,5 triệu tấn; niên vụ 2018 - 2019, sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường. Cộng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch là đủ cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam (khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn).
Tuy nhiên, với 800.000 tấn đường lậu (chiếm tới 50% nhu cầu cả nước) khiến đường trong nước không tiêu thụ được, góp phần tăng lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp, như niên vụ 2018 - 2019, tồn kho hơn 650.000 tấn. “Có nhà máy tồn kho lên đến 40.000 tấn đường”, ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết.
Theo ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), vấn đề buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.
Ông Trương Văn Ba cho biết, các đối tượng này còn dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.
“Các đối tượng này sẵn sàng đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được để trúng đấu giá thanh lý lô đường nhập lậu. Ngoài ra, họ còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang đóng bao ở nước ngoài (thường là Campuchia). Như vậy, đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, thì khi đã đưa vào kho rồi sẽ rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không”, ông Trương Văn Ba nói.
Việc tiếp tay cho tiêu thụ đường nhập lậu lại chính là các doanh nghiệp Việt. Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch VSSA thẳng thắn: “Đường lậu muốn được tiêu thụ phải qua hệ thống phân phối, vậy hệ thống phân phối này ở đâu? Ở chính các doanh nghiệp thương mại nội địa”.
Cạnh tranh không bình đẳng
Theo VSSA, hiện giá sản xuất đường tại Việt Nam cao hơn tại Thái Lan từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, 80% giá đường chịu ảnh hưởng từ giá mía. Hiện, tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước do chi phí đầu tư tăng, giá bán hạ, nông dân thua lỗ, khi chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha, nhưng chỉ thu được từ 30 - 40 triệu đồng/ha, nên họ buộc phải bỏ ruộng.
Việc thiếu mía nguyên liệu khiến các nhà máy chỉ duy trì sản xuất cầm chừng. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Ngành mía đường Việt Nam còn tiếp tục chịu nhiều sức ép cạnh tranh khốc liệt, khi theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất thuế nhập khẩu chỉ 5%.
“Muốn người nông dân yên tâm trồng mía thì giá ít nhất đạt 850.000 đồng/tấn. Trên thế giới không có quốc gia nào mà nông dân trồng mía dưới 800.000 đồng/tấn. Ngay cả Thái Lan, vụ vừa rồi bình quân là 830.000 đồng/tấn, chưa kể, Chính phủ Thái Lan trợ giá theo hình thức mua đường, điện sinh khối, cồn giá cao, hoặc trợ giá trực tiếp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, nên các nhà máy thu mua chỉ cần trả 500.000 đồng/tấn”, ông Trần Việt Anh nói.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan do ngành mía đường trong nước phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức như gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình, được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa nhận xét, các cách hỗ trợ ngành mía đường của Thái Lan vừa theo và không theo thông lệ WTO.
Ông Dương lý giải, Chính phủ Thái Lan có gói tài trợ giá mía đầu vào với 150 baht/tấn mía và giá mía đầu vụ luôn cố định bằng giá đường tại thời điểm đó, cộng với lượng đường tồn niên vụ gần nhất.
Ngoài ra, Thái Lan hỗ trợ cho nguyên vật liệu đầu vào với giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với các hộ trồng mía dưới 5.000 tấn, được hỗ trợ 50 baht/tấn. Chưa kể, nông dân được hỗ trợ đầu tư công nghệ để tăng năng suất mía. Thái Lan còn hỗ trợ bằng cách giữ ổn định giá đường trong nước, đặc biệt là hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, nếu nhà máy đường ở Thái Lan đầu tư một khoản tiền vào nghiên cứu phát triển, thì trước tiên được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn nếu đầu tư vào lĩnh vực mới liên quan, thì được hỗ trợ thêm 2 lần khoản tiền trên…
“Năm vừa rồi, Brazil đã kiện Thái Lan về việc hỗ trợ này, nên họ đã thay đổi hình thức hỗ trợ, rút hết quan chức chính phủ ra khỏi Quỹ Mía đường và không cố định giá đường trong nước như trước đây, mà thả nổi dù bản chất phía sau vẫn liên kết với nhau, cố định giá đường trong nước”, ông Phạm Hồng Dương thông tin.
Cũng theo ông Dương, Thái Lan còn dùng nhiều hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn nhập khẩu đường. Bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào muốn nhập đường vào Thái Lan cũng phải có giấy phép thoả mãn hàng loạt thông số kỹ thuật do Bộ Thương mại, Hiệp hội Mía đường và Bộ Nông nghiệp Thái Lan phê duyệt.
“Họ mở cửa thị trường bằng hành động gỡ bỏ hàng rào thuế quan, bất kỳ doanh nghiệp công dân nào cũng có thể nhập đường vào, nhưng chỉ khi được cấp giấy phép ấn định sản lượng và thời điểm nhất định mới được bán ra”, ông Dương cho biết.