Quý I/2021, đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam khoảng 188.202 tấn, tăng tới 5.735% so với cùng kỳ.
Càng điều tra, đường nhập khẩu càng gia tăng
Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương (Cơ quan điều tra) vừa tổ chức buổi tham vấn công khai liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Tại buổi tham vấn, đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng, ngành mía đường Thái Lan được Chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào nên khi vào Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành nên kiến nghị việc áp thuế.
Sau một thời gian dài chịu tổn thất nặng nề từ đường mía Thái Lan "đổ bộ" vào Việt Nam, tháng 9/2020, Bộ Công thương quyết định điều tra và chính thức áp thuế chống bán phá giá, và chống trợ cấp tạm thời với mía đường Thái Lan được đưa ra với 2 mức (44,88% đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô).
Trong thời gian Bộ Công thương tiến hành điều tra (tháng 10/2020 đến tháng 2/2021), lượng đường nhập khẩu này vẫn tăng 42% so với trước đó, còn tính từ thời điểm áp thuế, tháng 2/2021, đường giá rẻ nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan vẫn tăng mạnh so với thời điểm trước khi có quyết định điều tra chống bán phá giá.
Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 3/2021, đường nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khuynh đảo thị trường đường Việt Nam nhờ ưu thế giá rẻ. Trong đó, một lượng đường lớn đã được các nhà nhập khẩu tìm mọi cách đưa về trước và kể cả sau thời điểm Bộ Công thương sử dụng công cụ phòng vệ thương mại tạm thời (Riêng tháng 1/2021, đường nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục, 113.000 tấn).
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng mạnh nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900 nghìn tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn đường).
Không chỉ tăng nhập khẩu về số lượng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, có dấu hiệu lẩn tránh thuế, khi đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN khác cũng tăng vọt. Trong quý I/2021, đã xảy ra một hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số nước ASEAN vốn không có thế mạnh về đường gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia tăng vọt lên tới 57 lần (5.735%) với 188.202 tấn.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: "Cả Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia không phải là quốc gia phải nước sản xuất đủ đường mà nhập khẩu đường Thái Lan là chính. Lượng đường bùng nổ nhập khẩu sau khi áp thuế có hiệu lực về bản chất vẫn là đường Thái Lan, nhưng vẫn được hưởng thuế theo ATIGA ở mức 5%, và đó là nguyên nhân lý giải lượng đường nhập khẩu vẫn tăng cao sau quyết định áp thuế có hiệu lực".
Hiện nay, các doanh nghiệp đã nâng giá mía để khuyến khích nông dân quay lại với cây mía, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao. Chính vì vậy, thực tế ngành đường trong nước vẫn đang phải đối mặt với khó khăn.
Quý I/2021, doanh nghiệp sản xuất đường nội đã ép được 5,8 triệu tấn mía với hơn 611.000 tấn đường, thấp hơn 700.000 tấn so với niên vụ 2019-2020. Con số này cho thấy sự thiệt hại nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam đang phải gánh chịu trước sự tấn công ồ ạt của đường nhập khẩu.
Môi trường cạnh tranh bị biến dạng
Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam trước đó đã nhiều lần khẳng định, kết quả điều tra đã chứng tỏ thực sự có hành vi trợ cấp và bán phá giá gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam đến mức vô cùng nghiêm trọng khi hơn 50% hộ nông dân trồng mía đã bị tước quyền sản xuất và 1/3 số nhà máy buộc phải đóng cửa.
"Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%, trong khi đặc trưng sản xuất của ngành mía đường tại mọi quốc gia là chi phí mía chiếm đến 70-80% giá thành sản xuất, có nghĩa là liên tiếp nhiều năm lượng đường phá giá đã tràn vào gây tác dụng ép giá kìm giá khiến ngành đường Việt Nam phải bán đường ở mức giá không đủ trả tiền nguyên liệu mía, và tác dụng của mức phá giá này là mang tính hủy diệt chuỗi liên kết vì không ngành sản xuất chế biến nào có thể tồn tại trong điều kiện như thế", ông Lộc khẳng định.
Quyết định áp thuế sau quá trình điều tra đã cho thấy bộ mặt thật của môi trường cạnh tranh trong ngành đường ASEAN đã bị biến dạng bởi các biện pháp trợ cấp và phá giá để dành thị phần chứ không phải môi trường của năng lực cạnh tranh thực sự.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN, nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm. Do đó, ngành mía đường Việt Nam mong chờ quyết định áp thuế chính thức với mức thuế thích đáng sớm được ban hành để bảo đảm giá đường giá mía tương đương với các đồng nghiệp trong khu vực tạo điều kiện cho nông dân và các nhà máy của ngành đường Việt Nam được hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.
Bộ Công Thương cho biết đang hoàn tất các bước điều tra tiếp theo để đưa ra kết luận điều tra cuối cùng, dự kiến trong tháng 6/2021.