Đường lối đối ngoại trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, nhằm mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Nét đặc sắc trong quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa hòa bình
Năm 1911, khi đang hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến các đại biểu cường quốc Đồng minh dự Hội nghị Versailles, vì Đồng minh đã tuyên bố trước thế giới cuộc đấu tranh của họ là “Văn minh chống dã man”, là trao trả độc lập thuộc địa… Tin tưởng vào lời hứa ấy, Nguyễn Ái Quốc đã nêu 8 yêu sách với họ bằng những lời lẽ ôn hòa với cách ứng xử hòa bình, nhưng không nhận được một lời phúc đáp.
Với tầm nhìn xa rộng, trước khi lãnh đạo nhân dân ta đứng dậy tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị 5 điểm gửi Chính phủ Pháp, lần một vào tháng 7/1945 và một lần vào ngày 18/8/1945.
Trong đó, Người đề xuất thực hiện một cuộc phổ thông đầu phiếu để bầu ra một nghị viện do một người Pháp làm chủ tịch. Sau 5 năm, chậm nhất là 10 năm, Pháp sẽ trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam và sẽ được hưởng những ưu tiên về kinh tế. Nhưng Chính phủ Pháp im lặng.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi những người Pháp ở Đông Dương và kêu gọi: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da…”.
Đây cũng là tinh thần nhất quán được Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc lại trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thư điện với các chính khách, chính quyền thực dân…
Sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ, tiến hành xâm lược trở lại Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì giải pháp thương lượng, sẵn sàng chấp nhận thoả hiệp, nhân nhượng, trên cơ sở bảo đảm độc lập của Việt Nam, tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc cho nhân dân Việt Nam với chính quyền thực dân Pháp.
Những nỗ lực của Người nhằm thực thi đối thoại, chủ trương giải quyết hòa bình những mâu thuẫn và khác biệt trong quan hệ Việt - Pháp được thể hiện tập trung nhất quyết định lý với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước 14/9/1946.
Khi nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã bao trùm, một mặt, nhân dân Việt Nam đề cao cảnh giác, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến theo chỉ thị toàn dân kháng chiến (ra ngày 12/12/1946); mặt khác, nhằm cứu vãn hoà bình, Hồ Chí Minh vẫn gửi đi một thông điệp hòa bình đến phía Pháp.
Người tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi… Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.
Cả trước và sau ngày 19/12/1946, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ liên hệ với đại diện Chính phủ Pháp để tìm tiếng nói chung, tìm mọi cách tránh chiến tranh. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm trở lại Việt Nam một lần nữa.
Trả lời phỏng vấn của các nhà báo vào ngày 23/3/1947, Người nói: “Từ ngày 19/12, đã mấy lần tôi kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp ngăn trở sự chiến tranh…”. Trong lần tiếp luật sư Max Clainville Bloncourt, một người bạn cũ đến thăm, Người bày tỏ nỗi lòng: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”.
Trong lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/1/1947, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”. Người thấu hiểu được “Không có trận đánh nào ‘đẹp’ cho dầu thắng lợi lớn”. Đáng tiếc, Chính phủ Pháp đã nêu các cớ khác nhau, hoặc thực dân Pháp ở Đông Dương cố ý dìm những thứ ấy đi, không có hồi âm.
Ngày 12/5/1947 tại thị xã Thái Nguyên, Hồ Chí Minh tiếp Paul Mus, đại diện của Cao ủy Pháp Bollaert, để trao đổi về điều kiện ngừng bắn của hai phía Việt - Pháp. Paul Mus đã đưa ra những điều kiện như: nộp vũ khí cho quân đội Pháp; để cho quân đội Pháp tự do đi lại và đóng quân ở Việt Nam... Sau khi nghe những điều kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chất vấn vừa hỏi lại Paul Mus: “...Nếu ở vào địa vị tôi, ông có chịu nhận những điều kiện như vậy hay không?”, Paul Mus trả lời: “...Chấp nhận những điều kiện trên đây nghĩa là đầu hàng”.
Cuộc hội kiến đã không mang lại kết quả. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, tố cáo thực dân Pháp “quen thói hung tàn, bất nhân, vô lễ” đã đưa ra những điều kiện ngang ngược đòi nhân dân Việt Nam phải đầu hàng, đời đời phải quỳ gối cúi đầu làm nô lệ. Người kêu gọi mọi người hãy kiên quyết chiến đấu, đánh tan bọn quân phiệt thực dân, giành lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Tư tưởng hòa bình, nhân văn còn được Hồ Chí Minh khẳng định trong lời kêu gọi Liên hợp quốc: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình” và trong trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ: Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù chuốc oán với một ai”. Đó là đường lối ngoại giao hòa bình văn minh và tiến bộ. Đó là biểu hiện sinh động của văn hóa hòa bình.
Chính những quan điểm hòa bình cùng những hoạt động chỉ đạo kháng chiến không mệt mỏi của Hồ Chí Minh trong 9 năm kháng chiến đã góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ, mang lại hòa bình cho Việt Nam khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Genève.
Mong muốn hoà hiếu, hữu nghị với các dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, với tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do, hoàn toàn thống nhất với bản chất yêu hoà bình và lòng mong muốn hoà hiếu, hữu nghị với các dân tộc của nhân dân ta.
Tinh thần trên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ với phía Mỹ trong nhiều bức thư gửi Tổng thống Mỹ Truman hoặc Quốc vụ khanh Mỹ Bơcnơ vào cuối năm 1945, đầu năm 1946. Trong bức thư gửi Truman ngày 16/2/1946, Người viết: “Mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cho nền độc lập và sự hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới”.
Những yêu cầu chính đáng nêu trên không được Chính phủ Mỹ đáp ứng, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ. Nhân ngày độc lập của Mỹ, Người kêu gọi nhân dân Mỹ lên án chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp do Mỹ bảo trợ. Đây thực chất là thông điệp phản đối chính sách đế quốc, phản hoà bình, “phản dân chủ và không Mỹ chút nào” của Chính phủ Mỹ khi đó.
Thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc Việt “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cương bạo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chủ động gửi thư cho các Tổng thống Mỹ, nhắc nhở họ hãy tỉnh ngộ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương. Nhưng đáng tiếc là những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được Mỹ xem xét nghiêm túc. Ngay sau khi lên thay Kennedy, Tổng thống Johnson đã tuyên bố: “Mỹ tiếp tục viện trợ, tiếp tục duy trì nhân viên quân sự tại miền Nam Việt Nam”.
Khi Mỹ đã dấn sâu vào chiến tranh Việt Nam, trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 8/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thẳng với Tổng thống Mỹ Kennedy: “Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỷ đô la của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài… Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?”.
Mặc cho thái độ hiếu chiến của những người đứng đầu Nhà Trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì vận động, tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Việt Nam. Người nói: “Từ trước đến nay, chúng ta luôn luôn chủ trương rằng: giải pháp duy nhất đúng đắn về vấn đề miền Nam là phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản cơ bản của Hiện định Genève năm 1954 về Đông Dương”.
Với tâm nguyện và mục tiêu hoà bình, trong khi lãnh đạo toàn dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh chống Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng cố gắng nhằm đạt tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh lan rộng, kéo dài.
Theo tài liệu của Liên hợp quốc do tuần báo Người bảo vệ Manchester đăng lại ngày 12/8/1965, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Mỹ tiến hành đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề miền Nam. Phía Mỹ đã không trả lời đề nghị của Người.
Để đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của Chính quyền Johnson, ngày 1/1/1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Người chỉ rõ con đường dẫn tới hòa bình là Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân về nước để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc của mình.
Có thể khẳng định, hòa bình và nhân văn luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù đang lâm bệnh nặng, trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ Nixon ngày 25/8/1969, Người vẫn khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong trong độc lập và tự do thực sự”.
Hòa bình và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam, được Người hun đúc trong cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và đã, đang trở thành xu hướng phát triển và giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay.
Ngày (13/12), tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội sẽ diễn ra Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo.Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, hôm nay (12/12), Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương”.
Tiếp đó, ngày 14/12, sẽ diễn ra Hội Nghị Ngoại giao 31 và Phiên họp toàn thể về Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các hội nghị nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII một cách đồng bộ, toàn diện trong bối cảnh, tình hình mới; đề xuất phương hướng cho những vấn đề đối ngoại nổi lên trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.