Đường đi của lô đất 165 Thuỳ Vân TP.Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
Từng là bệnh viện điều dưỡng có vốn của nhà nước, thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn lô đất có địa chỉ 165 Thuỳ Vân rộng hơn 8.189 m2, đã về tay một doanh nghiệp bất động sản với phiên đấu giá “kỳ lạ”.
Đường đi của lô đất 165 Thuỳ Vân TP.Vũng Tàu

Mất đất nhà nước bởi khoản vay 60 tỷ đồng

Theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư có được, trong văn bản số 3816/ UB.VP được Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi đó là ông Nguyễn Văn Nhân ký ngày 6/11/2000 về việc đồng ý đề xuất của Sở Y tế tỉnh thành lập Trung tâm Điều dưỡng Du lịch và Khám chữa bệnh Vũng Tàu.

Tới ngày 10/6/2002, UBND tỉnh có văn bản số 2158 UB.VP do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Niên ký với nội dung đồng ý cho phép Công ty Du lịch tỉnh được góp vốn bằng tài sản hiện hữu là khu đất Hotex (địa chỉ 165 Thuỳ Vân) cùng thành lập Công ty TNHH để đầu tư Trung tâm Điều dưỡng Du lịch.

Tới ngày 18/11/2002, trong văn bản số 594/CV-DL do Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi UBND tỉnh, Sở Địa chính, Sở Xây dựng cho biết Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kêu gọi vốn đầu tư và được UBND tỉnh cho phép Công ty Du lịch góp vốn bằng tài sản hiện hữu trên khu đất Hotex là 2,179 tỷ đồng cùng Công ty TNHH An Đức thành lập Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu.

Về phương án sử dụng 8.240 m2 đất khu Hotex đã được quy hoạch thành Khu Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu sẽ trả tiền thu đất hàng năm cho nhà nước.

Tới ngày 8/5/2005, Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định số 24/QĐ-DL ủy quyền cho ông Võ Tuấn Thành, Phó giám đốc Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đại diện cho Công ty Du lịch tỉnh tham gia hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu. Ông Thành có quyền được tham gia và biểu quyết trong các cuộc họp của HĐTV Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu. Còn ông Lô Chiu Hồng là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu.

Từng là Khu điều dưỡng du lịch hiện đại nhất Việt Nam, nhưng chỉ trong vài năm đã phải đóng cửa toàn bộ vì khoản vay 60 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Nam.

Từng là Khu điều dưỡng du lịch hiện đại nhất Việt Nam, nhưng chỉ trong vài năm đã phải đóng cửa toàn bộ vì khoản vay 60 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Nam.

Tới tháng 2/2007, Khu Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu (Medicoast) chính thức hoạt động với kinh phí đầu tư gần 80 tỷ đồng. Medicoast được xây dựng gồm một khối nhà 4 tầng dành cho việc khám chữa bệnh với hệ thống các thiết bị y khoa hiện đại. Một khối nhà 7 tầng dành cho công tác điều dưỡng và dịch vụ giải trí với 130 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn tương đương khách sạn 3 sao. Ngoài ra, Medicoast còn có 2 khu biệt thự với 8 phòng hạng sang dành cho khách VIP... Đây là mô hình du lịch kết hợp chữa bệnh đầu tiên tại Việt Nam thời điểm đó.

Tới năm 2010, trong khi cần vốn để đầu tư hạ tầng Trung tâm Điều dưỡng, Medicoast vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam (nay sáp nhập vào Sacombank). Công ty khi đó cần vay vốn dài hạn, tối thiểu là trung hạn. Nhưng quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn, Ngân hàng đã tư vấn và yêu cầu Medicoast phải lựa chọn vay ngắn hạn.

Trước sức ép cần nguồn tài chính trang trải cho dự án, Medicoast phải chấp nhận vay 12 tháng. Tới năm 2011, khi nợ đến hạn, Medicoast đề nghị Ngân hàng gia hạn nợ. Tuy nhiên, Ngân hàng không đồng ý gia hạn nợ mà chỉ đồng ý cho vay khoản vay mới để đảo nợ cho khoản vay cũ.

Sau đó, Ngân hàng Phương Nam yêu cầu Medicoast vay 60 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ đồng được trả nợ cũ ngay lập tức và 15 tỷ đồng còn lại, Medicoast không được sử dụng mà phải gửi ngược lại Ngân hàng dưới hình thức cá nhân gửi tiết kiệm. Số lãi gửi tiết kiệm này Ngân hàng thu lại ngay để trừ vào khoản vay. Không được sử dụng vốn vay lại chịu lãi suất chênh lệch khoản vay lớn khi lãi suất cho vay có thời điểm lên tới 32,4%/năm.

Tới ngày 12/7/2013, do Medicoast không thể trả nợ khoản vay Ngân hàng TMCP Phương Nam đã khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.

Hiện khu đất 165 Thuỳ Vân đã thuộc về tay doanh nghiệp với mức giá chỉ hơn 156 tỷ đồng.

Hiện khu đất 165 Thuỳ Vân đã thuộc về tay doanh nghiệp với mức giá chỉ hơn 156 tỷ đồng.

Vụ đấu giá đất “kỳ lạ”

Sau khi Ngân hàng TMCP Phương Nam khởi kiện Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu (Medicoast) ra toà, đã có nhiều phiên giải hoà, nhưng bất thành, tới ngày 7/7/2014, Chi Cục thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu ra thông báo số 378/TB-CCTHA về việc bán đấu giá tài sản.

Cụ thể, Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Vũng Tàu tiến hành kê biên, thẩm định giá, ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ bán đấu giá tài sản Châu Thành bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng 8.189,2m2 đất tại địa chỉ 165 Thuỳ Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu. Giá khởi điểm là 186.285.000.000 đồng.

Tới ngày 24/11/2014, Chi cục Thi hành án Dân sự thông báo đã bán đấu giá thành công lô đất với giá 167.700.000.000 đồng cho Công ty TNHH Phúc Vĩnh Đạt. Tuy nhiên, tới ngày 5/3/2015, Chi cục Thi hành án TP.Vũng Tàu ra thông báo Công ty TNHH Phúc Vĩnh Đạt không nộp đủ số tiền mua tài sản nên huỷ bỏ hợp đồng.

Tới ngày 13/5/2015, Chi cục Thi hành án TP.Vũng Tàu tiếp tục ra thông báo số 310/TB-CCTHA thông báo bán đấu giá tài sản lần 2 lô đất 165 Thuỳ Vân, giá đấu khởi điểm được hạ xuống còn 167.656.500.000 đồng.

Tới ngày 25/6/2015, Chi cục Thi hành án TP.Vũng Tàu lại ra thông báo số 485/TB-CCTHA về việc bán đầu giá tài sản lô đất 165 Thuỳ Vân, giá khởi điểm được hạ xuống còn 155.920.545.000 đồng.

Ngày 3/8/2015, Chi cục Thi hành án TP Vũng Tàu ra thông báo số 593/TB-CCTHA cho biết Công ty cổ phần Tổng hợp Thế Giới Xanh có địa chỉ số 47 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM trúng đấu giá lô đất trên với mức giá trúng là 156.150.000.000 đồng và đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tham gia phiên đấu giá lô đất này.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2016, Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu (Medicoast) có đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao TP.HCM đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận thỏa thuận giữa Công ty và Ngân hàng Phương Nam.

Theo nội dung mà Medicoast gửi Chánh án Toà án cấp cao tại TP.HCM nêu rõ có hai căn cứ pháp lý chính Medicoast nêu ra để đề nghị xem xét giám đốc thẩm đối với vụ việc. Thứ nhất, Medicoast cho rằng, hợp đồng vay vốn 60 tỷ đồng là hợp đồng giả tạo về số tiền vay vốn, thực tế Medicoast chỉ vay được 45 tỷ đồng, nhưng lại ký vào hợp đồng với số tiền vay 60 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này… Như vậy, hợp đồng cho vay 60 tỷ đồng vô hiệu và Medicoast chỉ chịu trách nhiệm với khoản tiền vay vốn thực tế là 45 tỷ đồng và lãi suất trên đó.

Thứ hai, Medicoast cho rằng, nội dung thỏa thuận giữa các đương sự có sự sai phạm pháp luật khi công nhận khoản tiền lãi bất hợp pháp của Ngân hàng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 476), lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Tại thời điểm giao dịch diễn ra - năm 2010 - lãi suất cơ bản là 9%/năm. Do vậy, việc Ngân hàng áp mức lãi suất ban đầu là 21,6%/năm và sau này lên đến 32,4% là vi phạm pháp luật.

Ngoài lãi suất, Ngân hàng còn tính thêm cả khoản phạt với mức lãi phạt 32,4% trong khi theo quy định lãi phạt chậm trả theo lãi suất cơ bản, tức là 9%/năm. Chính vì nội dung bất hợp pháp này, đến thời điểm hiện nay, ngoài số tiền gốc thực tế là 45 tỷ đồng, Medicoast phải trả thêm số tiền lãi rất lớn, đẩy tổng số tiền phải thực trả lên đến 107,4 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 188 về “Hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự”, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là trái pháp luật. Do đó, Medicoast đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao TP.HCM xem xét kháng nghị. Việc kháng nghị sẽ là cơ sở để Hội đồng giám đốc thẩm xem xét hủy quyết định của tòa án, từ đó vụ án được xét xử lại, đảm bảo công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Được biết, thời hạn để Medicoast tự đề nghị giám đốc thẩm đã hết (1 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự). Tuy nhiên, thời hạn để những người có thẩm quyền, trong trường hợp này là Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao TP.HCM ra quyết định kháng nghị vẫn còn (thời hạn 3 năm)…

Ông Lô Chiu Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Điều dưỡng Du lịch Vũng Tàu cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn đang khởi kiện vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng của Công ty Medicoast với phía Ngân hàng Phương Nam.

Đối với lô đất 165 Thuỳ Vân, ngày 24/3 vừa qua, Công ty cổ phần Tổng hợp Thế Giới Xanh đã tiến hành động thổ dự án bất động sản nghỉ dưỡng mang tên khách sạn 5 sao Five Star Odyssey. Dự án được thiết kế cao 40 tầng gồm căn hộ du lịch (condotel) và khách sạn. Trong đó, số lượng phòng khách sạn chuẩn 5 sao là 436 phòng, số lượng căn hộ là 1.0192 căn và 12 căn penthouse.

Ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện dự án này mới được cấp chủ trương đầu tư, chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Tin bài liên quan