Đường đến sàn phái sinh

Đường đến sàn phái sinh

(ĐTCK) Cuối tháng 6/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận cho CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) làm thành viên giao dịch phái sinh. Ðây là công ty thứ 9 sau 8 công ty khác đã gia nhập sàn phái sinh là HSC, SSI, VNDS, MBS, VCSC, VPBS, VietinbankSC và KIS.

Theo Sở GDCK Hà Nội, để trở thành thành viên giao dịch trên TTCK phái sinh, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về vốn điều lệ và tình hình tài chính, CTCK cần có hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo các yêu cầu kết nối với hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh hiện tại. Dù điều kiện để “nhập sàn” là không dễ, nhưng sàn phái sinh đang cho thấy những cơ hội lớn khi sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như quy mô giao dịch ngày càng lớn. Không CTCK nào không mong muốn bước chân vào phái sinh.

Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán Rồng Việt… đang ở mức mấp mé vào sàn. Ðại hội đồng cổ đông của Chứng khoán Bảo Việt mới đây đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhằm đủ điều kiện gia nhập sân chơi phái sinh. Nếu tăng vốn thành công trong thời gian ngắn tới, BVSC được kỳ vọng sẽ là thành viên tiếp theo trên sàn này.

Tháng 8/2017, khi sàn phái sinh mở cửa hoạt động, mọi nhận xét về tương lai đều rất thận trọng và cho rằng, cần ít nhất 3-5 năm, sàn này mới có thể sôi động. Tuy nhiên, diễn biến thực tế nằm ngoài mong đợi của những người tạo dựng sàn. Tính đến nay, đã có trên 31.000 nhà đầu tư mở tài khoản phái sinh, giá trị giao dịch nhiều phiên đạt trên 7.000 tỷ đồng (gần đây đạt trên 10.000 tỷ đồng), cao hơn giá trị giao dịch của 1.500 cổ phiếu trên cả 3 sàn cộng lại.

Chuẩn bị cho dấu ấn tròn 1 năm hoạt động, sàn phái sinh có nhiều cơ hội ghi những con số đẹp trong năm đầu đời. Tuy nhiên, thị trường này có những khoảng hở, cần sớm hoàn thiện để song hành với các con số tổng kết. Chẳng hạn, văn bản pháp quy hiện hành chưa đề cập đến việc giám sát, hay các biện pháp phòng ngừa rủi ro và xử lý khủng hoảng nếu xảy ra trên TTCK phái sinh.

Bản chất sân chơi phái sinh vốn dành cho chủ thể chính là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng tại Việt Nam, người chơi chính lại là các nhà đầu tư cá nhân. Ðặc trưng này khiến vấn đề về giám sát, phát hiện sớm sai phạm và phòng ngừa rủi ro phái sinh tại Việt Nam cần hoàn thiện hơn cả, bên cạnh các yếu tố kỹ thuật khác để giữ thị trường vận hành chuẩn mực, chuyên nghiệp.

Về thuế, theo phản ánh của MBS thì cách tính hiện nay (Thuế với giao dịch chứng khoán phái sinh = (giá Hợp đồng tương lai x hệ số x số hợp đồng x tỷ lệ ký quỹ ban đầu) x 0,1%/2) là không thể hiện đúng bản chất của việc tính thuế thu nhập - tức là khoản thuế thu trên lợi nhuận phát sinh của nhà đầu tư. Cách thu thuế trên thị trường này cần có sự điều chỉnh, theo hướng chuẩn mực hơn.

Mở sàn phái sinh - như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng - đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có TTCK phái sinh trong ASEAN và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này. Nhiều thành viên đang và sẽ bước đến sàn phái sinh bởi sức nóng của giao dịch, nhưng với mong muốn nhà quản lý sẽ đặt trọng tâm phát triển về chất song song và dẫn dắt sự phát triển về lượng cho sàn mới vững bước.

Tin bài liên quan