270 cuộc gọi, tin nhắn từ người dân
Cụ thể, 4 ngày nghỉ lễ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được hơn 270 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); trong đó, chủ yếu tập trung trong hai ngày 30/4 và ngày 3/5 với số lượt phản ánh đến đường dây nóng khoảng 200 cuộc gọi và tin nhắn.
Nội dung phản ánh về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại; ngoài ra còn phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông một số vị trí trên Quốc lộ 1 khi có tai nạn hoặc sự cố.
Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.
“Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, số lượng phản ánh của người dân về điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm nhiều so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân,” ông Thái cho hay.
Bên cạnh đó, ông Thái cũng cho biết thêm, từ ngày 2/5, nhiều hành khách đã bắt đầu trở lại Hà Nội sau dịp nghỉ lễ. Theo thông tin qua đường dây nóng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều nhà xe đã chở quá số người quy định, nhồi nhét hành khách, tăng giá vé cao bất thường. Tại các tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh đi Hà Nội hầu hết giá cước đều tăng 20-50%, các tuyến ngắn hơn giá cước có thể tăng đến 300%.
“Ở một số tuyến đường cửa ngõ vào thành phố như Pháp Vân-Cầu Giẽ đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định diễn ra rất phổ biến,” ông Thái nói.
Không phải phản ánh là xử lý được ngay!
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ, đã có khoảng 17.000 lượt xe vận chuyển khoảng 350.000 lượt hành khách lưu thông qua 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm.
Thế nhưng, tin nhắn phản ánh về tình trạng tăng giá vé và nhồi nhét chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, tại bến Bến xe Mỹ Đình chỉ nhận được 3 phản ánh của hành khách đi trên tuyến Nam Định, Yên Bái tăng giá vé và nhồi nhét khách.
“Ngay khi tiếp nhận thông tin, bến xe đã điện thoại yêu cầu nhà xe hạ tải và trả lại tiền thừa cho khách. Sau đợt nghỉ lễ, chúng tôi sẽ tiếp tục có văn bản xử phạt các nhà xe này,” lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cho hay.
Liên quan đến số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh về tình trạng nhồi nhét, “chặt chém hành khách", ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, không phải tất cả các phản ánh của người dân đến đường dây nóng đều được xử lý ngay. Có những trường hợp cơ quan chức năng sẽ xác minh sau đó mới nhờ đến địa phương xử lý.
“Đặc biệt, trong hai ngày nghỉ lễ trước đó, xuất hiện tình trạng một số đối tượng quấy rối, nháy máy và có những lời lẽ lăng mạ đối với các số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Chúng tôi đã đề nghị lực lượng chức năng của Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật,” ông Minh thông tin thêm.
Đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông trong 4 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4-01/5 được đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Ban An toàn giao thông các địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 610/CĐ-TTg ngày 8/4/2016 mặc dù nhu cầu đi lại và mật độ phương tiện giao thông tăng cao trong 4 ngày nghỉ lễ nhưng hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là nhu cầu đi đến các điểm du lịch.
Cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách vi phạm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
“Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với 4 ngày lễ cùng kỳ năm 2015; không xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường sắt lại tăng 3 tiêu chí,” ông Thái cho hay.
Tuy nhiên, vị Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra một số tồn tại đó là còn xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đắk Nông, Quảng Ngãi và Thanh Hoá; ùn tắc giao thông trên một số tuyến như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1 đoạn Tiền Giang, đoạn Bình Thuận do xảy ra một số sự cố va chạm giao thông và mật độ phương tiện qua trạm thu phí tăng quá cao.
Đặc biệt, trong ngày 30/4 vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu phương tiện phục vụ nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ, tình trạng người dân đón, bắt xe trên đường cao tốc vẫn còn diễn ra; tình trạng xe khách chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ, nhất là các tuyến Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An.
“Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa cao trong khi mật độ phương tiện trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ lễ tăng rất cao. Tai nạn giao thông tăng cao trong hai ngày cuối chủ yếu là vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông như chạy quá tốc độ quy định, lấn đường vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy,” ông Thái nhìn nhận.