Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín: Chậm 16 tháng, Hà Nội lo thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
Có kế hoạch đóng điện vào tháng 3/2020, nhưng hiện Dự án Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín vẫn chưa biết bao giờ được hoàn thành.

Chưa biết bao giờ xong

Đây là công trình trọng điểm có tính cấp bách được triển khai xây dựng từ năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khu vực phía Tây TP.Hà Nội, giảm tải cho trạm biến áp 500 kV Thường Tín và các đường dây 220 kV trong khu vực. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp điện cho thành phố Hà Nội vào giai đoạn cuối năm 2020 và những năm sau.

Công trình dự kiến hoàn thành đóng điện vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, cho đến nay, Dự án đã chậm so với kế hoạch 16 tháng và chưa biết tới bao giờ sẽ xong bởi đang phải dừng thi công do chưa giải phóng xong hành lang tuyến khoảng cột từ vị trí 59 - 62 (thuộc huyện Thanh Oai) và khoảng cột từ vị trí 90 - 92 (thuộc huyện Thường Tín).

Hành lang tuyến của khoảng cột 90-92 chưa biết bao giờ giải phóng xong

Hành lang tuyến của khoảng cột 90-92 chưa biết bao giờ giải phóng xong

Nếu công trình không hoàn thành trong năm nay, thì năm 2022, Hà Nội sẽ có nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là phía tây Thành phố.

Công trình Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín khởi công ngày 31/7/2018, là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm B do Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho phần xây lắp và mua sắm vật tư thiết bị; vốn của EVNNPT được sử dụng cho các công việc còn lại.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án. Đường dây có chiều dài 40,7 km, điểm đầu từ trạm biến áp 500kV Tây Hà Nội và điểm cuối là trạm biến áp 500 kV Thường Tín, đi qua các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín.

Trạm biến áp Tây Hà Nội đã hoàn thành từ tháng 11/2018, nhưng đến nay chỉ vận hành cấp điện áp 220 kV và chưa thể đưa vào vận hành cấp điện áp 500 kV do tuyến đường dây 500 kV Tây Hà Nội – Thường Tín đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường hành lang tuyến.

Theo NPMB, phần móng và cột đều đã thi công xong 96/96 vị trí. Tuy nhiên, công trình hiện đang vướng mắc giải phóng mặt bằng tại khoảng cột 59 - 62, trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai), có 06 hộ dân có đất ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù.

Nguyên nhân của những tồn tại này bắt nguồn từ năm 1994, UBDN tỉnh Hà Tây có quyết định số 57/QĐ-UB, giao 6.500m2 đất để giải quyết nhu cầu làm nhà ở cho nhân dân xã Thanh Mai, UBND xã Thanh Mai đã tổ chức thu tiền của 39 hộ dân gia đình (trong đó có 7 hộ nằm trong hành lang an toàn lưới điện). Quá trình thực hiện quyết định số 57/QĐ-UB, một số hộ dân có đơn kiến nghị về việc giao đất không đúng quy định.

Hành lang tuyến phục vụ kéo dây của khoảng cột 38-39 đang bị vướng

Hành lang tuyến phục vụ kéo dây của khoảng cột 38-39 đang bị vướng

Căn cứ Công điện số 1044 và chỉ thị 247/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1995 về việc bảo vệ đất lúa, xét đơn kiến nghị của công dân, ngày 10/8/1995, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành quyết định số 410/QĐ-UB, thu hồi 6.500 m2 đã cấp theo quyết định số 57/QĐ-UB để đưa vào sản xuất đất nông nghiệp.

Mặc dù có Quyết định thu hồi đất nhưng tỉnh Hà Tây không làm thủ tục hoàn tiền nên các hộ dân vẫn sử dụng đất từ đó đến nay.

Tháng 11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 527/TB-VP vận dụng chính sách hỗ trợ khác về đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Phương án bồi thường đã được UBND huyện Thanh Oai phê duyệt. Qua 3 lần tiến hành chi trả tiền chỉ có 1/7 hộ nhận tiền.

Các hộ còn lại không nhận với lý do, đơn giá đền bù theo Quyết định số 2074/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 29/5/2020 là thấp.

Tại khoảng cột 90-91, trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), cũng có 7 hộ dân phải thu hồi đất nằm trong hành lang an toàn.

Ngày 26/5/2021, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định số 2337/QĐ-UBND, về việc thu hồi 2.994,16m2 đất tại xã Tiền Phong để thực hiện xây dựng hạ tầng khu tái định cư; ngày 28/5/2021, UBND huyện Thường Tín đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khu tái định cư tại quyết định số 1677/QĐ-UBND; ngày 11/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố giao đất cho các hộ dân.

Công tác kiểm kê, lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân đã được thực hiện xong từ tháng 11/2020, tuy nhiên, do chưa có khu tái định cư nên chưa phê duyệt được Phương án bồi thường, hỗ trợ.

Chủ trương có, đất có, kinh phí có nhưng đã phải mất 15 tháng kể từ khi UBND TP.Hà Nội đồng ý để UBND huyện Thường tín xây dựng khu tái định cư, đến nay vẫn chưa bàn giao được cho các hộ tái định cư.

Tính đến thời điểm hiện nay, khối lượng thi công đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín đã hoàn thành kéo dây được 90%, nhưng nếu 10% khối lượng công việc kéo dây còn lại không sớm được giải quyết thì công trình không thể đóng điện.

Cấp điện cho Hà Nội gặp khó

Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc EVNNPT, với khả năng cung cấp khoảng 1.800 MW của các đường dây 220 kV từ nguồn thuỷ điện Hoà Bình thì Hà Nội sẽ bị thiếu nguồn cấp cho các trạm 220kV nên cần thiết phải bổ sung bằng nguồn 500 kV. Bởi vậy Dự án 500 kV Tây Hà Nội -Thường Tín là dự án trọng điểm, cấp bách đã được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch điện VII để đáp ứng nhu cầu phụ tải phát triển của khu vực nam sông Hồng đặc biệt là Thủ đô Hà Nội (qua các trạm 220kV: Mỹ Đình, Hà Đông, Thành Công, Tây Hà Nội, Chèm, Tây Hồ,…).

Dự án này sẽ kết nối trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội và trạm biến áp 500 kV Thường Tín, tăng cường liên kết lưới điện 500 kV xung quanh Hà Nội, đồng thời giải phóng công suất từ các nhà máy thuỷ điện khu vực Tây Bắc, đặc biệt là thuỷ điện Sơn La về TP. Hà Nội và các khu vực lân cận.

Năm 2020, công suất phụ tải lớn nhất của Hà Nội khoảng 4.435 MW và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5.000 MW trong năm 2021, cũng như đạt khoảng 6.600 MW vào năm 2025.

Ở phía nguồn cung, hiện tổng công suất máy biến áp 220/110 kV khu vực Hà Nội là 6.625 MVA. Theo tính toán cân bằng của Viện Năng lượng thì công suất máy biến áp 220 kV là tạm đủ cho năm 2021, nhưng nếu vẫn không được bổ sung kịp thời thì năm 2022 sẽ xẩy ra tình trạng thiếu công suất.

Hiện khu vực Hà Nội được cấp điện trực tiếp từ các trạm biến áp 500 kV và các đường dây tải điện 220 kV chủ yếu từ Hòa Bình, trong đó các trạm biến áp 500 kV cấp điện trực tiếp cho Hà Nội là Thường Tín và Đông Anh với tổng công suất máy biến áp là 3.600 MVA (4 x 900 MVA).

Mức độ mang tải trung bình lớn nhất các máy biến áp 500 kV Thường Tín, Hòa Bình phục vụ cấp điện cho phía Tây và phía Nam Hà Nội đã tới mức 84 - 85% và có hiện tượng đầy và quá tải ở những thời điểm nắng nóng.

Nghĩa là với mức độ mang tải như vậy, các máy biến áp 500 kV Thường Tín, Hòa Bình chỉ đủ cấp điện trong chế độ vận hành bình thường N-0 (không có dự phòng) của năm 2021, và không đủ cấp điện trong chế độ N-1 (có 1 đường dây dự phòng trường hợp sự cố).

Với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện của Hà Nội ở mức 7-8%/năm (dù có covid) thì sang năm 2022 đã không đủ cấp điện ngay trong chế độ vận hành bình thường N-0 (trong thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè từ tháng 5/2022) nếu không được bổ sung máy biến áp 900 MVA Tây Hà Nội được cấp điện từ đường dây 500 kV Thường Tín-Tây Hà Nội.

Với mức phụ tải năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2021 càng khiến các máy biến áp 500 kV Thường Tín và các đường dây 220kV truyền tải công suất từ Hòa Bình, từ Sóc Sơn cấp điện cho phụ tải khu vực phía Tây Hà Nội hiện có quá tải.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ sự cố cũng như ảnh hưởng tới độ an toàn, tin cậy trong cấp điện cho Hà Nội vào nhưng lúc nắng nóng kéo dài và cực đoan.

Tin bài liên quan