Dự án Đường dây 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả và Trạm biến áp 220 kV Hải Hà cùng được khởi công trong tháng 5/2015 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Khu công nghiệp và cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và các khu vực lân cận thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng điện 4 cho hay, hai dự án này không có gì đặc biệt so với nhiều dự án trạm biến áp và đường dây khác, ngoại trừ yêu cầu tiến độ gấp, kể từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành theo kế hoạch chỉ có 7 tháng, trong khi thời gian cho các dự án tương tự phải mất hàng năm. Vì vậy, trên công trường luôn túc trực đầy đủ mọi thành phần, từ chuyên gia, tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công công trình.
Với tổng mức đầu tư hơn 255 tỷ đồng, Trạm biến áp 220 kV Hải Hà tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) có quy mô lắp đặt giai đoạn I một máy biến áp 220/110/22 kV, công suất 250 MVA hiện đã hoàn thành gần 80% khối lượng công việc. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN NPT và các đơn vị thi công, bởi tính riêng trong đợt mưa lũ tháng 7 và tháng 8/2015 tại Quảng Ninh, tiến độ thi công trạm đã phải dừng tổng cộng 60 ngày.
Ông Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4, đơn vị thi công cho hay, ngày 25/11 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị nhất thứ và ngày 10/12 sẽ lắp đặt xong phần nhị thứ của máy biến áp, phục vụ việc đóng điện vào cuối tháng 12/2015.
Dự án đường dây 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả và mở rộng Trạm biến áp 220 kV Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả có quy mô mạch kép gồm 203 vị trí cột đi qua địa bàn các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư hơn 916 tỷ đồng cũng đang căng mình để đảm bảo tiến độ.
Theo ông Phan Lương Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án Các công trình điện miền Bắc thuộc EVN NPT, các đơn vị thi công đã đúc xong 197 vị trí và dựng xong 173 vị trí cột, nhưng mới kéo dây được 0,4 km.
Để có được toàn bộ 203 vị trí móng phục vụ thi công, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được triển khai kết hợp với việc vận động người dân bàn giao. Hiện các đơn vị liên quan đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 127 vị trí, còn lại 75 vị trí trên địa bàn huyện Tiên Yên và 1 vị trí trên địa bàn huyện Hải Hà đã lập phương án bồi thường và đang đợi phê duyệt.
Tuy nhiên, trên chiều dài toàn tuyến khoảng 82,3 km, tương đương 72 khoảng néo, vẫn còn 56 khoảng néo (tương đương 60,7 km) tại địa bàn các huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP. Cẩm Phả vẫn chưa có phê duyệt phương án bồi thường nên người dân chưa bàn giao mặt bằng phục vụ kéo dây.
Ông Hà Trọng Văn, Phó giám đốc CTCP Thương mại xây lắp công nghiệp Thăng Long, đơn vị thi công từ vị trí 71 đến vị trí 107 (dài 16 km với 11 khoảng néo) cho hay, khó khăn lớn nhất là thi công từ khoảng néo từ vị trí cột 95 tới cột 97, vượt sông Tiên Yên. Yêu cầu đặt ra là chỉ được cắt điện trong 1 ngày để thi công, trong khi địa hình nơi đây rất khó khăn, phải vượt sông, nhà dân và vượt đường dây 110 kV độc đạo từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương cấp điện cho 3 huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP. Móng Cái, đường dây 35 kV. Do vậy, đơn vị đã sẵn sàng 80 công nhân thi công tại các khoảng néo này để hoàn thành công việc đúng tiến độ.
“Đơn vị đã hoàn thành 65% khối lượng của gói thầu, trong đó phần móng và cột đã hoàn thành 100%, phần kéo dây đạt 40%. Có 6 đội thi công độc lập được bố trí thi công để đẩy nhanh tiến độ. Nếu chủ đầu tư cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, chúng tôi cũng cam kết hoàn thành gói thầu này trước ngày 15/12”, ông Văn nói.
Tại địa bàn huyện Đầm Hà, mặc dù UBND huyện và các cấp chính quyền đã tổ chức họp giải thích tuyên truyền, vận động nhiều lần về chế độ chính sách bồi thường, nhưng nhiều hộ tại Quảng An vẫn không nhất trí phương án đền bù. Bởi vậy, UBND huyện đã phải tính tới phương án cưỡng chế để phục vụ thi công.
Khả năng phải cưỡng chế và tiến hành bảo vệ thi công cho kịp tiến độ còn đặt ra với đoạn đường dây qua TP. Cẩm Phả. Cung đoạn này mới bàn giao được 12/41 khoảng néo, tương đương 15,7 km/29,8 km cho bên thi công phục vụ kéo dây. Vướng mắc lớn nhất với người dân vẫn là diện tích đất thu hồi và đơn giá đền bù thấp, nên không nhất trí giao đất.
Trước thực tế này, các đơn vị thi công đã đề nghị Ban Quản lý dự án Các công trình điện miền Bắc và địa phương tăng cường cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bởi đang hiện hữu nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện.
Tại cuộc họp giao ban công trường vừa diễn ra tuần qua, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN NPT đã khẳng định, không cho phép lùi tiến độ và yêu cầu các đơn vị thi công bổ sung nhân lực và thiết bị để đảm bảo hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc vào ngày 15/12.