Đường dài với sóng EVFTA

Đường dài với sóng EVFTA

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội nên được khai thác càng sớm thì hiệu quả càng cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp tự nâng cấp mình và công tác tổ chức thực thi phải theo hướng cải cách, sáng tạo. 

Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo

Ngay khi EVFTA có hiệu lực (dự kiến sớm nhất là đầu năm 2020, sau khi có sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu), 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp nhận định, EU là thị trường lớn, người dân có thu nhập cao, để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp cả về chất lượng lẫn trách nhiệm xã hội. Hiện tại, doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo khi đứng trước một sân chơi lớn như EVFTA.

Thực tế, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa dễ bị thất bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thương mại tự do.

70% doanh nghiệp mơ hồ với EVFTA

EVFTA là gì, hiệp định này có lợi ích như thế nào với doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn là chủ đề mơ hồ với phần nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong cuộc khảo sát chưa biết về EVFTA.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc tổ chức thực thi EVFTA có những điểm tồn tại, chưa có sự lan tỏa kịp thời, nên nhiều doanh nghiệp chưa nắm được nội dung của Hiệp định.

Từ góc độ Chính phủ, chừng nào EVFTA đưa vào khai thác càng sớm thì hiệu quả càng cao đối với doanh nghiệp và người dân, nhưng việc này đòi hỏi công tác tổ chức thực thi phải hướng theo cải cách, sáng tạo. Nếu tổ chức thực thi tương tác tốt sẽ giúp doanh nghiệp biến khó khăn thành cơ hội.

Hiện tại, Bộ Công thương đã có sổ tay hướng dẫn về những nhóm ngành hàng trong EVFTA, tiếp theo, Bộ sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể.

Nhận diện thách thức

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, bên cạnh cơ hội, EVFTA mang lại 5 thách thức hiện hữu.

Thứ nhất là quy tắc xuất xứ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu linh kiện từ một nước thứ ba trong ASEAN, Trung Quốc… về lắp ráp, chứ không phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu hay nguyên liệu tại Việt Nam.

Thứ hai là rào cản kỹ thuật cao.

Thứ ba là đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn này ở châu Âu là cao nhất.

Thứ tư là chi phí tuân thủ, EVFTA đòi hỏi rất cao về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ với người lao động.

Thách thức thứ 5 là doanh nghiệp phải hiểu rõ từng ngành, từng mã thuế, biết cách vận dụng để cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại đối tác. .

“Chúng ta đã thông một thị trường, tiếp theo phải thoáng thể chế, cơ chế. Nếu thể chế trói buộc thì doanh nghiệp chết. Khi đã quẳng doanh nghiệp ra đại dương, cần có thể chế thông thoáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Chủ tịch VCCI nói.

Cạnh tranh ngay sân nhà

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, luật sư Ngô Văn Hiệp, Công ty Luật Hiệp và cộng sự - đơn vị tư vấn pháp lý cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thị trường quốc tế cho biết, đối diện với EVFTA, doanh nghiệp phải đảm bảo quy tắc xuất xứ và vượt qua các rào cản kỹ thuật cao, bên cạnh đó là chi phí tuân thủ. Những tiêu chuẩn này đỏi hỏi doanh nghiệp phải tốn nhiều nguồn lực, trong khi để tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp phải có chi phí hợp lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Hiệp, doanh nghiệp EU sẽ thuận lợi hơn khi vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt đối diện với thực tế cạnh tranh ngay cửa nhà mình. Mặc dù vậy, những doanh nghiệp có nội lực đã sẵn sàng cạnh tranh trên sân nhà.

EU sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam

Bà Malstrom, Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu cho biết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ tư vấn cụ thể để đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật khi đưa hàng hóa vào EU. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần phải xác định rõ vướng mắc ở đâu, như thế nào, cần giải đáp ra sao để được hướng dẫn chi tiết. Bà Cecilia Malstrom cho hay, EU đã lên chương trình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi EVFTA.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Euro-Charm) Nicolas Audier chia sẻ, ông mong muốn sản phẩm của Việt Nam sẽ xuất khẩu sang EU ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc truyền tải thông tin về EVFTA cần được rộng rãi ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đảm bảo tất cả các yếu tố quy định trong Hiệp định được doanh nghiệp và người dân tiếp cận, hiểu rõ.

“Chúng ta không muốn mắc lỗi từ thời WTO, truyền tải thông tin sẽ đảm bảo quá trình thực thi tốt hơn”, lãnh đạo EuroCharm nói.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Cơ hội chỉ đến khi nội lực của doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên. Muốn vươn lên, mỗi doanh nghiệp cần phải học hỏi để nâng cao kỹ năng lao động, sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Riêng ngành gỗ đang thiếu các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật. Vấn đề này phải do Nhà nước lo bằng cách giao cho một vài cơ sở đào tạo đảm nhiệm, còn doanh nghiệp cung cấp nơi thực tập cho sinh viên, công nhân học nghề.

Bên cạnh đó, Nhà nước có các văn bản hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn giúp doanh nghiệp hiểu về các cam kết trong EVFTA. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí vay vốn, tiếp cận các kênh tín dụng để doanh nghiệp có nguồn đầu tư công nghệ, đào tạo công nhân kỹ thuật.

Ông Đỗ Mạnh Hùng Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Ðức

Hiệp định EVFTA mở cửa hàng rào thuế quan, nhưng tiêu chuẩn về hàng hóa để vào châu Âu là thách thức lớn và sẽ có những mặt hàng từ các nước châu Âu được đưa vào Việt Nam. Do đó, chúng ta phải nỗ lực cải thiện về sản xuất, công nghệ để cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp châu Âu.

Dệt may là một ngành mà Việt Nam có lợi thế, nhiều doanh nghiệp đã đặt chân vào châu Âu, nhưng khó khăn của ngành dệt may cũng như da giày khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn hiện hữu. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường “đi vòng”, ngành dệt may và nhiều ngành khác khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu đều đi vòng sang các nước thứ ba.

EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại có cơ hội xuất khẩu vào EU cho Việt Nam, chúng ta nên đi thẳng vào nước khó nhất là Đức, khi đã vào được thị trường này thì sẽ dễ dàng tiếp cận toàn bộ thị trường châu Âu.

Tin bài liên quan