Được và mất của HDBank sau khi sáp nhập PGBank

Được và mất của HDBank sau khi sáp nhập PGBank

(ĐTCK) HDBank đang triển khai các thủ tục để nhận sáp nhập PGBank sau khi phương án này được cổ đông của hai ngân hàng thông qua. Mục tiêu của HDBank là sẽ hoàn tất thương vụ M&A trong tháng 8 tới.

Được…

Với HDBank, trong chiến lược ngân hàng bán lẻ và tiêu dùng, hoạt động M&A luôn được xem là chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh quy mô, mở rộng hệ thống mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng…

Năm 2013, HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính tiêu dùng SGVF (nay là HD Saison). Và tới đây, việc nhận sáp nhập PGBank sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch lên con số 365, lọt vào Top 5 ngân hàng niêm yết có quy mô lớn nhất, trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 trong khối ngân hàng tư nhân, từ vị trí thứ 5 hiện nay, vượt qua ACB, Techcombank - Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) nhận định.

HDBank sau sáp nhập sẽ có quy mô vốn điều lệ 15.345 tỷ đồng. Theo tờ trình cổ đông về kế hoạch nhận sáp nhập PGBank, HDBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 267.256 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 170.641 tỷ đồng, tổng huy động đạt 245.000 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) trên 12%; lợi nhuận trước thuế 4.700 tỷ đồng.

Việc nhận sáp nhập PGBank đồng thời cũng giúp room ngoại đang được lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ tiếp tục làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank.

Dự kiến, sau sáp nhập, HDBank sẽ hình thành cổ phiếu quỹ lên tới trên 113.700 cổ phiếu theo mệnh giá. HDB vừa chia cổ tức 13% tiền mặt cho cổ đông, 22% cổ tức sẽ được chia ngay sau khi hoàn tất sáp nhập PGBank.

PGBank đang cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ thu hộ tiền mặt cho Petrolimex tại hơn 2.100 trạm xăng trên toàn quốc. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi) của PGBank khá cao theo tiêu chuẩn ngành.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ CASA của PGBank là 24,3%, trong khi CASA của HDBank tương đối thấp, chỉ đạt 12,9%. Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ giúp HDBank giảm chi phí huy động vốn. Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2017 thì M&A sẽ cải thiện CASA của HDBank từ 12,9% lên 14,7%.

… và mất

Tất nhiên, trong thương vụ M&A PGBank của HDBank, không chỉ có chữ “được”. PGBank hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô tổng tài sản nhỏ nhất trong ngành và gặp vấn đề về chất lượng tài sản.

Thời điểm năm 2012, PGBank có tỷ lệ nợ xấu 8,4%, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROE) chỉ đạt 8,3%. Trong những năm qua, PGBank đã giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tập trung vào xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng.

Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3,3% trong năm 2017 nhờ việc xóa nợ và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng tỷ lệ tài sản có vấn đề vẫn ở mức cao với tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC chiếm tới 13,7% tổng dư nợ. ROE giảm xuống còn 1,8% trong năm 2017 do gánh nặng trích lập dự phòng cho nợ xấu. Việc sáp nhập PGBank sẽ làm tăng nợ xấu của HDBank.

PGBank có quy mô tương đối nhỏ so với HDBank và khi sáp nhập, PGBank sẽ đóng góp lần lượt 13,4%, 19,4% và 17,0% vào tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và dư nợ của HDBank sau sáp nhập. Nợ xấu và trái phiếu VAMC của HDBank chiếm 3,3% dư nợ của ngân hàng vào cuối năm 2017. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 5,1% sau khi hai ngân hàng M&A.

Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đã trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong vài năm qua, do đó, tỷ lệ nợ xấu và trái phiếu VAMC chưa được trích lập của HDBank hợp nhất sẽ là 3,7%. Đây là mức nợ xấu tương đối cao so với các ngân hàng niêm yết khác.

Bản thân HDBank cũng có nợ xấu cao do các khoản vay quá hạn phát sinh trong quá khứ (trái phiếu VAMC chiếm 54% tổng tài sản có vấn đề). Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nợ xấu tại HDBank sau sáp nhập sẽ ở mức có thể xử lý được và HDB có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết nợ xấu, dựa trên triển vọng tăng trưởng thuận lợi của Ngân hàng với cơ sở khách hàng mở rộng đáng kể sau sáp nhập.

Trong trường hợp sáp nhập, LLR (hệ số dự phòng) của HDBank sẽ giảm từ 73,3% tại thời điểm cuối năm 2017 xuống còn 60,4%. Với tỷ lệ nợ xấu đang tăng và nguồn dự phòng thấp tại PGBank, VNDS kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ tăng lên sau sáp nhập nhằm cải thiện nguồn dự phòng và tạo điều kiện cho chính sách xóa nợ tích cực hơn. HDBank cho biết, tính đến cuối tháng 5/2018, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt mức tăng trưởng 14%.

Để thực hiện hoán đổi cổ phần, HDBank sẽ phát hành tổng cộng 300 triệu cổ phiếu mới; trong đó, 186,3 triệu cổ phiếu sẽ được phân phối cho cổ đông PGBank theo tỷ lệ hoán đổi trên và 113,7 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu của HDBank theo tỷ lệ 1:0,116, giá thực hiện là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, toàn bộ 113,7 triệu cổ phiếu được phân bổ cho cổ đông HDBank sẽ được mua lại làm cổ phiếu quỹ với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông hai ngân hàng đều đã thông qua việc sáp nhập, nhưng HDBank cần phải có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, dù đặt mục tiêu hoàn thành M&A vào tháng 8/2018.  

Tin bài liên quan