Dược phẩm OPC lãi ròng hơn 87 tỷ đồng, bầu HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026

0:00 / 0:00
0:00
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 87 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dược phẩm OPC lãi ròng hơn 87 tỷ đồng, bầu HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026

Dược phẩm OPC vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021.

Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 298,1 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty thu về 116,8 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 chỉ đạt 78,6 tỷ đồng.

Chi phí tài chính trong quý III của OPC là hơn 3,2 tỷ đồng (tăng hơn 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong đó, chi phí lãi vay hơn 1,3 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 3 tháng quý III của doanh nghiệp này tăng lần lượt 38,5% và 37,7% so với cùng kỳ. Kết quả, OPC báo lãi sau thuế quý III/2021 ở mức xấp xỉ 33,4 tỷ đồng (tăng gần 54% so với cùng kỳ).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần hơn 771 tỷ đồng và 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm nay, Dược phẩm OPC đặt kế hoạch doanh thu 866 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 143 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm nay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của OPC đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm nay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của OPC đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản doanh nghiệp này ở mức 1.232 tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 591 tỷ đồng; hơn 96 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Nợ ngắn hạn đến cuối kỳ là gần 493 tỷ đồng.

Chi phí phải trả ngắn hạn ở mức hơn 21,8 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, OPC ghi nhận thêm 5 khoản chi phát sinh gồm chi phí khuyến mãi, quảng cáo, marketing (13,2 tỷ đồng); hơn 362 triệu đồng chi phí phúc lợi cho nhân viên; 900 triệu đồng cho chi phí khám sức khoẻ; 3,15 tỷ đồng chi phí đồng phục và hơn 268 triệu đồng chi phí thuê đất.

OPC có 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Dược phẩm OPC Bình Dương và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 25 với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 100% và 58,15% vốn; 1 công ty liên kết là Công ty cổ phần Dược OPC Bắc Giang (sở hữu 40%).

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn góp vốn, sở hữu 50% vốn Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Y dược Kiện Kiều- Quảng Châu, Trung Quốc chuyên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuốc trị sốt rét CV Artecan cùng các sản phẩm đông dược khác.

Ngày 22/10, OPC sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 theo hình thức trực tuyến nhằm thông qua các tờ trình về Điều lệ sửa đổi và bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo tờ trình Điều lệ sửa đổi, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử người vào HĐQT thay vì quy chế cũ là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử người vào HĐQT.

Danh sách các ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát OPC nhiệm kỳ 2021- 2026.
Danh sách các ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát OPC nhiệm kỳ 2021- 2026.

Về việc bầu cử 5 ứng viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2021- 2026, có 3 người mới gồm bà Phương Thanh Nhung, ông Nguyễn Hải Dương và bà Hàn Thị Khánh Vinh. 3/4 ứng viên Ban kiểm soát OPC nhiệm kỳ tới đều là những cái tên mới.

Tất cả các ứng viên mới đều không sở hữu cổ phiếu cũng không đại diện sở hữu của cá nhân/tổ chức nào tại OPC.

Cụ thể, về ứng viên mới trong HĐQT, đầu tiên là bà Hàn Thị Khánh Vinh hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Ngoài ra, bà Vinh còn là Thành viên HĐQT/Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam và Công ty cổ phần Sanofi Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1.

Ứng viên mới thứ hai là ông Nguyễn Hải Dương. Vị này đang là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Sông Đà; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Bông Sen; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế AIKO; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA.

Ứng viên mới thứ ba là bà Phương Thanh Nhung hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương kiêm Phó chủ tịch Ủy ban nhân sự, Phó chủ tịch Ủy ban Chiến lược ngân hàng TMCP Việt Á.

Hai thành viên nhiệm kỳ cũ cũng là ứng viên mới cho HĐQT OPC là ông Trịnh Xuân Vương và ông Lê Văn Sơn.

Trong đó, ông Vương là Chủ tịch HĐQT OPC kiêm Thành viên HĐQT Dược phẩm TW25; Chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Dược phẩm OPC Bình Dương. Cá nhân ông Vương sở hữu 13,62% vốn OPC.

Ông Sơn là Thành viên HĐQT OPC, đại diện phần sở hữu cho Tổng Công ty Dược Việt Nam với 13,4% vốn điều lệ.

Về các ứng viên mới cho Ban kiểm soát OPC nhiệm kỳ 2021-2026 có ông Nguyễn Trung Thành là Trưởng bộ phận Quản lý danh mục đầu tư Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI.

Ông Thành nhận ủy quyền của ông Phan Công Cường, Thành viên Ban kiểm soát OPC.

Hai ứng viên mới tiếp theo cho Ban kiểm soát là bà Kiều Thị Minh Hồng, trưởng phòng Đầu tư tại Công ty TNHH Capella Group và bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, đương nhiệm Phó giám đốc Nghiên cứu phát triển tại OPC.

Tin bài liên quan