Xin tạm dừng ở đây để giải thích cho nhận định cá nhân “đại dịch sắp qua”. Ấy là vì Covid-19, tôi đâm ra cuồng công nghệ, mê trí tuệ nhân tạo (AI). Phòng thí nghiệm sáng tạo dựa trên dữ liệu (DDI) của Đại học Công nghệ và Thiết kế của Singapore vừa đăng nhiều đồ thị, bảng biểu với nội dung dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc.
Để “bói toán toán học”, họ sử dụng dữ liệu thực tế, công nghệ AI, mô hình SIR… Dựa trên dữ liệu cập nhật đến ngày 28/4, DDI dự đoán, trên thế giới, Covid-19 sẽ “đi đứt” 97% vào 30/5 và biến mất 100% vào 1/12. Các mốc dự đoán tương ứng ở 3 nước có số ca mắc nhiều nhất thế giới là khoảng 15/5 và khoảng 9/9 (Mỹ), 3/5 và 3/8 (Tây Ban Nha), 9/5 và 31/8 (Ý). DDI dự đoán, tại Việt Nam, Covid-19 sẽ chấm dứt hoàn toàn vào 15/5.
Tin yêu khoa học, cảm thấy lạc quan với những dự đoán như vậy, nhưng tôi cũng đọc kỹ phần “Disclaimer” (tuyên bố từ chối trách nhiệm).
“Về bản chất, dự đoán là không chắc chắn. Người đọc phải cẩn trọng với bất kỳ dự đoán nào. Việc quá lạc quan dựa trên một số ngày dịch bệnh được dự đoán chấm dứt là nguy hiểm, bởi vì nó có thể làm nới lỏng kỷ luật và kiểm soát của chúng ta, có thể khiến virus, dịch bệnh quay trở lại; chúng ta phải tránh việc đó”.
“Disclaimer” là để người tiếp nhận thông tin cân nhắc, thận trọng hơn, cũng là để tránh rủi ro pháp lý, tránh quả tạ trách nhiệm rơi vào đầu người cung cấp thông tin. Nhưng tôi không mong rằng, nước ta lại xuất hiện “tầng lớp disclaimer”!
Đại dịch sắp qua, tôi nhìn lại được - mất trong những ngày trông con giai đoạn cách ly, giãn cách xã hội. Quê ở thành phố, tôi không thể gửi con đi đâu, mà nếu có quê xa, tôi cũng không gửi chúng về cho ông bà trông hộ. Quan điểm chung của tôi là ông bà đã nuôi dạy con cái mấy chục năm rồi, không nên chuyền đường bóng dài khó đỡ ấy để ông bà làm bố, làm mẹ lần hai, dù rất nhiều đấng sinh thành sẵn lòng đón nhận.
Tôi luôn nghĩ, trẻ con chỉ có 3 việc chính là ăn - học - chơi, nên Covid hay không, chúng cũng nên tập trung vào 3 việc ấy. Thời dịch dã, việc học và chơi thay đổi khá nhiều, khiến tôi cũng đổi thay không ít. Tôi phải giảm thức khuya, giảm ngủ ngày để canh các mốc giờ học trực tuyến, học qua truyền hình của hai đứa con ham chơi lười học (giống bố). Trước giờ học khoảng 15 phút, tôi kêu gào: Dậy mau, chuẩn bị bật máy, điểm danh.
Con gái học qua tài khoản Zoom miễn phí nên cứ 40 phút, cô - trò lại phải thoát ra, vào lại ứng dụng. Thấy hơi bất tiện, tôi lọ mọ lên mạng tìm cách loại bỏ giới hạn 40 phút này (tất nhiên ngoài cách đơn giản mà “chính tông” là bỏ ra 15 - 20 USD/tháng để đăng ký tài khoản Pro, Business hoặc Enterprise). Qua tìm tòi, tôi biết được có 2 cách để loại bỏ giới hạn 40 phút: dùng địa chỉ email trường học hoặc nước ngoài để đăng ký.
Cách 1, vào địa chỉ https://zoom.us/docs/en-us/school-verification.html, tại ô “Your work email address”, nhập địa chỉ email của trường học (ở Việt Nam có đuôi tận cùng bằng edu.vn). Sau khi tạo được tài khoản Zoom miễn phí, vào lại link trên, điền thông tin trong phần “School Information”. Trong vòng 3 ngày, Zoom sẽ xem xét và có quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ giới hạn 40 phút dành cho tất cả tài khoản Zoom miễn phí đăng ký bằng các địa chỉ email có đuôi là tên trường học. Một người đăng ký thành công là “cả họ” được nhờ: tất cả tài khoản miễn phí đăng ký bằng các địa chỉ email có đuôi là tên trường học đã được chấp thuận đều sẽ được dỡ bỏ giới hạn 40 phút. Nhưng cái giá phải trả là mất nhiều thời gian đăng ký và chờ đợi.
Cách 2, vào https://10minutemail.net, nếu trên trang xuất hiện địa chỉ email có đuôi là zzrgg.com thì sao chép hoặc ghi nhớ. Nếu địa chỉ email xuất hiện không có đuôi là zzrgg.com thì click vào “Lấy một địa chỉ e-mail khác (e-mail này sẽ bị hủy)” cho đến khi địa chỉ email có đuôi zzrgg.com xuất hiện. Sau đó, đăng ký tài khoản Zoom miễn phí, dán địa chỉ email đuôi zzrgg.com vừa sao chép, vào lại trang 10minutemail để kích hoạt tài khoản bằng cách click vào “Please activate your Zoom account”.
Chỉ mất đôi phút để đăng ký tài khoản Zoom miễn phí không bị giới hạn 40 phút, nhưng khi bày cách cho cô giáo, cô không áp dụng với lý do đăng ký “có vẻ lằng nhằng, phức tạp”.
Tôi rất hiểu cảm giác của cô giáo vì mình đã trải qua các tình huống tương tự, vì 2 lý do chính.
Thứ nhất, khi không hiểu và không chịu hoặc chưa chịu tìm hiểu, ta thường thấy vấn đề rắc rối, phức tạp hơn nhiều so với thực tế.
Thứ hai, khi ta ngại hoặc lười thay đổi thì thường dẫn tới một trong hai trường hợp: tặc lưỡi chấp nhận giữ nguyên hiện trạng hoặc “đi tắt đón đầu” theo kiểu “lấy tiền đè người”.
Tôi từng lo ngại xếp hàng công chứng giấy tờ mất thời gian nên nhờ “cò” làm với chi phí gấp 5 lần mức phí Nhà nước quy định. Sau đó mới biết nhiều người tự làm thủ tục với cùng loại giấy tờ, cùng thời điểm, cùng phòng công chứng mà thời gian nhận kết quả nhanh bằng “cò” (nhờ cải cách thủ tục hành chính, dân không còn phải rồng rắn xếp hàng, không phải chịu đựng sự dửng dưng, không hướng dẫn, trợ giúp, “mặt lạnh như đít bom”, thậm chí mặt đỏ tía tai, ngoạc mồm quát tháo của cán bộ như xưa).
Về chơi, tôi tận dụng điện thoại, máy tính nối mạng để bày những trò liên quan sở thích của bọn trẻ như chụp ảnh selfie, nghe nhạc “hot” quốc tế, xem clip hài hoặc mẹo vặt…, nhưng vẫn gần gũi thiên nhiên, chơi mà học (kết hợp luyện ngoại ngữ, thuyết trình, làm đồ thủ công…). Ví dụ, chụp ảnh cùng động vật hoang dã dưới dạng 3D bằng cách vào google.com, gõ từ khóa con vật yêu thích, tìm khung “Meet a life-sized…”, chạm vào ô “View in 3D”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com