Những biến động bất ngờ
Cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi tăng liên tục từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên mức 146.700 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, thị giá LIC đã được đẩy lên gấp 10 lần, vốn hóa thị trường đạt 13.203 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 900 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Licogi gần đây có cải thiện so với các năm trước, song không đủ hấp dẫn để khiến giá cổ phiếu tăng cao như vậy. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Licogi đạt 13 tỷ đồng, tăng 42% so với mức thực hiện trong cùng kỳ.
Yếu tố được cho là hấp dẫn của doanh nghiệp này là quỹ đất. Trong báo cáo tài chính quý III/2021 của Licogi, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang dài hạn ghi nhận 1.172 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội).
Dự án này có quy mô 35,1 ha, dân số 9.000 người. Hiện giá đất xung quanh dự án Thịnh Liệt được rao bán lên tới cả trăm triệu đồng một mét vuông, trong khi doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm trước với giá thấp.
Bên cạnh dự án Thịnh Liệt có quỹ đất lớn thì Licogi cũng có khu đất hơn 6.000 m2 xây dựng công trình trụ sở (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; dự án xây dựng tòa nhà Licogi (Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là nguyên nhân chính tác động đến diễn biến giá cổ phiếu LIC. Nguồn tin từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đang triển khai việc thoái vốn tại Licogi.
Trong cơ cấu cổ đông của Tổng công ty hiện nay, có 3 cổ đông lớn đang nắm giữ tổng cộng 94,95% vốn điều lệ, ứng với hơn 88 triệu cổ phần, gồm SCIC nắm 40,71% vốn, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông (công ty có liên quan đến Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Thanh Hải) nắm 35% và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 19,24% vốn.
Vướng mắc lớn nhất đối với quá trình thoái vốn ở Licogi theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán đã cơ bản được giải quyết. Đó là quyết toán cổ phần hóa, cũng như thống nhất phần Licogi phải trả thêm cho Nhà nước ở dự án Thịnh Liệt. Hiện SCIC đang tiến hành định giá doanh nghiệp này để có giá khởi điểm chào bán cổ phần.
SCIC dự kiến sẽ chào bán cả lô cổ phần, nên ứng viên số 1 về phía bên mua được dự đoán là 2 cổ đông lớn còn lại, hoặc doanh nghiệp có liên quan đến 2 cổ đông lớn nói trên.
Theo phân tích của một chuyên gia về M&A, việc cổ phiếu LIC tăng sốc là do nhà đầu tư nhắm quyền chi phối doanh nghiệp này gom hàng.
Thông thường, nếu nhà đầu tư gom hàng cho mục tiêu M&A, họ sẽ mua bất chấp, không kể giá nên sẽ chủ yếu kê lệnh trần.
Phần lớn trong số hơn 5% cổ phần LIC trôi nổi trên thị trường nằm trong tay cán bộ nhân viên, họ đã ôm cả chục năm qua kể từ khi cổ phần hóa, nên được giá cao họ sẽ dễ dàng bán ra.
Cách gom này sẽ hiệu quả và đỡ mất thời gian cho bên mua. Trên thực tế, thời gian qua, ông Nguyễn Anh Dũng, Kế toán trưởng Licogi và ông Nguyễn Danh Quân, Ủy viên Hội đồng quản trị đã bán toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ, lần lượt là 5.400 và 469.600 cổ phiếu; ông Phan Đức Hùng, Phó tổng giám đốc đăng ký bán hết 16.796 cổ phiếu; ông Ưng Tiến Đỗ, Ủy viên Hội đồng quản trị và em trai Ưng Sỹ Giang đăng ký bán 68.279 và 3.500 cổ phiếu; ông Nguyễn Danh Quốc, anh ông Nguyễn Danh Quân đăng ký bán 6.700 cổ phiếu; bà Phan Lan Anh, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 19.594 cổ phiếu.
Khi gom đủ lượng cổ phần để đạt mức chi phối tuyệt đối theo toan tính của người mua, giá cổ phiếu LIC có thể sẽ giảm mạnh về mức xấp xỉ định giá mà SCIC thực hiện để bên mua không phải trả giá quá đắt.
Hoặc cũng có kịch bản rằng, giá cổ phiếu neo cao hơn khá nhiều so với định giá để các bên khác hạn chế nhảy vào “tranh hàng” rồi rắc rối như đã từng xảy ra ở một tổng công ty lớn trước đây khi thoái vốn nhà nước.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có tin thoái vốn nhà nước thường giao dịch khởi sắc và diễn biến giá tích cực hơn nhiều so với mặt bằng trước đó.
Đơn cử như trong nhóm cổ phiếu bảo hiểm, cổ phiếu PTI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đã tăng từ 30.000 đồng/cổ phần lên xấp xỉ 47.000 đồng/cổ phần, bằng mức giá khởi điểm mà Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thoái vốn khỏi PTI. Với hơn 22% cổ phần chào bán rộng rãi thông qua đấu giá vào giữa tháng 12/2021, thị trường đang hồi hộp dõi theo “phép thử” thoái vốn này để thấy liệu cổ phiếu có đủ sức hấp dẫn để bán thành công.
Một cổ phiếu bảo hiểm khác cũng nằm trong danh sách mà SCIC đang ráo riết triển khai thoái vốn là BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh. Thông tin rò rỉ về mức định giá cổ phiếu này quanh 45.000 đồng/cổ phần nên sau khi chạy từ vùng giá 30.000 đồng/cổ phần, BMI đã lình xình và hiện chỉ giao dịch quanh 45.000 đồng/cổ phần.
Tương tự, nhiều cổ phiếu thoái vốn khác cũng đã có động thái giá tích cực mà giới đầu tư nôm na gọi là “sóng thoái vốn”, theo dự báo sẽ sôi động dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Cân cơ hội, rủi ro kẹp hàng
Tuần qua, nhiều nhà đầu tư cầm cổ phiếu PGBank khá sốt ruột. Với thông tin bên lề về việc thoái vốn của Petrolimex tại PGBank, cổ phiếu này đã phi từ vùng giá 26.000 đồng/cổ phần lên 37.000 đồng/cổ phần. Sốt ruột là bởi nhà đầu tư không biết có nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để chờ tin thoái vốn công bố hay bán đi chốt lời.
Một số nguồn thạo tin cho biết, đã có “cá mập” nhăm nhe chi phối ngân hàng này bằng cách mua lại toàn bộ lô cổ phần số lượng lớn do một cá nhân sở hữu. Lãnh đạo một tập đoàn tư nhân từng sở hữu số lượng lớn cổ phần PGBank cho biết đã bán toàn bộ số cổ phần này cho nhà đầu tư cá nhân trên trước đó.
Ngoài ra, nhà đầu tư “cá mập” đó dự kiến sẽ mua cả lô 40% cổ phần mà Petrolimex thoái vốn tại PGBank. Tỷ lệ cổ phần mà cá mập dự kiến sở hữu tại ngân hàng này có thể lên tới gần 90%.
Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, Tập đoàn đang thuê các công ty chuyên nghiệp để thẩm định và tư vấn chào bán trên 40% vốn của Petrolimex tại PG Bank. Trong khi đó, nguồn tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, phương án thoái vốn của Petrolimex tại PGBank đã được trình cơ quan này, dù vậy giá khởi điểm đến nay còn trong vòng bí mật. Trên thị trường, tin đồn giá khởi điểm 5x khiến nhà đầu tư cầm cổ phiếu PGB kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Một số nhà đầu tư có khẩu vị săn cổ phiếu thoái vốn. Theo thống kê, phần lớn các cổ phiếu trong danh sách SCIC thoái vốn hiện đang giao dịch trên UPCoM với thanh khoản vài nghìn, vài chục nghìn cổ phiếu/phiên.
Một nhà đầu tư kể, ông cứ tích cóp dần cổ phiếu tốt qua các phiên, có thể mất tới 6 tháng trời mua gom cổ phiếu theo cách như vậy và chờ ngày “hái quả”.
Một số doanh nghiệp đang trong giai đoạn định giá để SCIC thực hiện thoái vốn như Tổng công ty Điện tử tin học Việt Nam, Công ty cổ phần Cảng An Giang, Tổng công ty Vật liệu xây dựng… đang được nhà đầu tư quan tâm.
Còn một lý do khiến cổ phiếu thoái vốn có sức hút được giới đầu tư chia sẻ với nhau đó là bên mua thường là các công ty tư nhân. Họ sử dụng vốn vay ngân hàng để mua cổ phần thoái vốn, sau khi hoàn tất thương vụ, cổ phiếu đổi chủ, bên mua thường phải đánh lên cổ phiếu vừa mua thoái vốn nhằm tăng giá trị cầm cố ở các ngân hàng, rút tiền ra cho các hoạt động đầu tư khác của mình.
Game M&A của “cá mập” chỉ những người "lỳ lợm" mới ăn to.
Theo chia sẻ của một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, game M&A của “cá mập” chỉ những người lỳ lợm mới ăn to.
Vào sớm thì thường bị đè, rung giật để “thay máu” chán chê, người từng trải không quan tâm nhìn bảng điện xanh đỏ mới có thể giữ được hàng. Ngon nhất của loại game này là chọn được thời điểm nhảy vào khi M&A xong, nhưng thường khi đó rất khó mua, vì thông tin bắt đầu sáng tỏ qua việc liên tục thông báo bán ra của người cũ, thời điểm này “cá mập” vét nốt hàng trên sàn, tái cấu trúc lợi nhuận đột biến làm deal phát hành.
Nhưng chọn cách đầu tư này cũng có không ít rủi ro vì nếu doanh nghiệp bị tắc hoặc có trục trặc gì đó trong thoái vốn, trong M&A, nhà đầu tư sẽ bị kẹp hàng và nhiều phen cổ phiếu rớt giá rồi nằm im lìm, chôn vốn của nhà đầu tư hàng năm.