Thuế nhập khẩu tôm vào EU về 0 sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành tôm
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC).
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm vào EU về 0 sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành tôm Việt Nam.
Tôi lấy một ví dụ, với mặt hàng tôm whole cooked, tức tôm nguyên con luộc, từ trước đến nay, khách EU (nhất là khách Pháp) chỉ mua tôm nguyên con tươi của Việt Nam đưa về EU luộc. Nhưng tôm nguyên con tươi rã đông rồi luộc thường bị đen đầu, đen mang, làm giảm giá bán. Tuy nhiên, do có sự chênh lệch thuế nhập khẩu tới 7% (11% với tôm chín, 4% với tôm tươi) nên khách hàng vẫn mua tôm tươi về bên đó luộc lại. Vì thế, hiệp định mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp tôm Việt Nam ở mặt hàng này.
Thách thức lớn nhất của tôm Việt Nam là vấn đề đạt tiêu chuẩn ASC, nhưng các công ty tôm lớn của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn này rồi. Minh Phú kỳ vọng sẽ tăng trưởng 50 - 100% từ mức thị phần vào EU chiếm 12% sẽ lên được 15 - 20%.
Chìa khóa để mở ra cánh cửa trở thành một nước công nghiệp hiện đại
Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Vietnam.
Hiệp định EVFTA tạo một nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh thương mại, thu hút thêm đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm, cũng như đẩy mạnh sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU. Trong các năm tới, tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể mong đợi sự tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư của EU vào Việt Nam và gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU nhờ việc dỡ bỏ hơn 99% thuế hàng hóa giữa hai nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết mở cửa cũng như minh bạch hóa môi trường kinh doanh sẽ giúp cho việc gia tăng các dòng vốn chất lượng cao từ EU vào Việt Nam. Ðiều này sẽ đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm thu hút đầu các hoạt động đầu tư và thương mại của EU tại Ðông Nam Á. Tham gia chuỗi giá trị và những dịch vụ chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế và là chìa khóa để mở ra cánh cửa trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai không xa.
Đây là một trong những FTA quan trọng nhất
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng.
Tôi nghĩ rằng đây là một trong những FTA quan trọng và mang tính lịch sử nhất, vì EU là tập hợp của các quốc gia phát triển thuộc loại bậc nhất thế giới, có nền văn minh và khoa học kỹ thuật phát triển lâu đời, có các điều kiện với đối tác tuy khắt khe nhưng công bằng và bền vững. Hiệp định này chính là bằng chứng cho niềm tin của các nước EU vào một đối tác tại châu Á có tiềm năng phát triển trên nền tảng cởi mở, dân chủ và công bằng trong tương lai. Ðây là cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng các sản phẩm hàng tiêu dùng chất lượng cao, có ích cho sức khỏe từ châu Âu với chi phí rẻ hơn.
EVFTA cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chính thức cạnh tranh công bằng hơn với các quốc gia vốn được hưởng tối huệ quốc về thuế quan như Myanmar, Bangladesh, Cambodia, có cơ hội phát huy năng lực của mình để tiến sâu hơn vào thị trường này. Ðặc biệt, đối với các doanh nghiệp dệt may, nếu tận dụng được các sản phẩm sử dụng vải được sản xuất tại Việt Nam, chúng ta có khả năng vượt qua các đối thủ cạnh tranh để tăng trưởng thị phần tại thị trường EU một cách mạnh mẽ.
Hiệp định FTA này sẽ là liều thuốc bổ mạnh mẽ cho những ai đang có kế hoạch đầu tư vào khâu sản xuất vải tại Việt Nam. Tuy nhiên, miễn thuế không phải là tất cả, vì từ nhiều năm nay, các công ty thời trang lớn của EU như Zara, H&M, Mango... vẫn đang nhập khẩu hàng may mặc từ Myanmar, Bangladesh, Cambodia với mức giá thấp hơn Việt Nam khá nhiều, chưa kể đến lợi thế về thuế quan. Về phía Sông Hồng, chúng tôi sẽ bắt đầu tiếp xúc với nhiều khách hàng EU hơn để tận dụng cơ hội này một cách nhanh chóng nhất, nhưng cần thận trọng nghiên cứu lựa chọn khách hàng phù hợp với mình.
Với kinh nghiệm làm việc với khách hàng châu Âu nhiều năm, chúng tôi cho rằng, họ là những người trọng chữ tín hàng đầu thế giới, vì vậy việc minh bạch về thông tin, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nâng cấp hệ thống tư pháp và hành pháp, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là những điều kiện bắt buộc.
Sông Hồng có sẵn lợi thế về các mặt hàng quần áo dệt kim và chăn ga gối đệm có thể sử dụng vải xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Sông Hồng có khả năng liên kết, hợp tác hoặc thậm chí liên doanh với các nhà máy dệt vải lớn tại Việt Nam để tạo thành nguồn cung cấp ổn định về chất lượng và giá thành cho các khách hàng châu Âu. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình cần đầu tư nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu thị trường và khách hàng.
Nhiều thách thức với các sản phẩm Việt Nam
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam.
Hiệp định này sẽ mang lại sự trao đổi thông tin chặt chẽ, liên quan đến việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thuế quan, gia tăng sự minh bạch. Ðồng thời sẽ có rất nhiều thị trường mới mở ra các cơ hội cho nhiều ngành.
Các công ty EU và Ðức có thể gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Nhờ đó, các nhà sản xuất nội địa có thể cải tiến nhiều sản phẩm, về cả kiểu dáng cũng như chất lượng. Các nhà đầu tư sẽ mang công nghệ, năng lực quản trị và đào tạo, mang đến nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm việc lãng phí các nguồn lực và tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều thách thức với các sản phẩm Việt Nam, xét trên nhiều khía cạnh như bảo vệ sở hữu trí tuệ, cạnh tranh toàn cầu và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Các công ty nội địa cần nhanh chóng cải thiện năng lực cạnh tranh càng sớm càng tốt.
Cơ hội để gia tăng thị phần không quá lớn
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Vicostone.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Vicostone sang EU chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. EU là nơi xuất xứ ra công nghệ mà Vicostone sử dụng, do đó, nơi đây có các dây chuyền sử dụng công nghệ rung ép chân không đầu tiên và nhiều nhất. Thị trường khá truyền thống nên cơ hội để gia tăng thị phần tại lục địa này không quá lớn, chưa kể hiện nay thuế suất xuất khẩu hàng của Vicostone vào thị trường EU đã là 0%.
Trong định hướng chiến lược của mình, chúng tôi tập trung nhiều vào thị trường Bắc Mỹ, Australia và châu Á.